Bảo lãnh ngân hàng là gì? 04 quy định về bảo lãnh ngân hàng

31/08/2022 14:34 PM

Bảo lãnh ngân hàng là gì? Pháp luật quy định như thế nào về bão lãnh ngân hàng? – Thanh Hải (Sóc Trăng)

Bảo lãnh ngân hàng là gì? 04 quy định về bảo lãnh ngân hàng

Bảo lãnh ngân hàng là gì? 04 quy định về bảo lãnh ngân hàng (Hình từ internet)

1. Bảo lãnh ngân hàng là gì?

Bảo lãnh ngân hàng là hình thức cấp tín dụng, theo đó tổ chức tín dụng cam kết với bên nhận bảo lãnh về việc tổ chức tín dụng sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng khi khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết; khách hàng phải nhận nợ và hoàn trả cho tổ chức tín dụng theo thỏa thuận.

(Khoản 18 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010)

2. Các hình thức bảo lãnh ngân hàng

Các hình thức bảo lãnh ngân hàng bao gồm:

- Bảo lãnh đối ứng là một hình thức bảo lãnh ngân hàng.

Theo đó bên bảo lãnh đối ứng cam kết với bên bảo lãnh về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với bên bảo lãnh trong trường hợp bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh là khách hàng của bên bảo lãnh đối ứng; bên được bảo lãnh phải nhận nợ và hoàn trả cho bên bảo lãnh đối ứng.

- Xác nhận bảo lãnh là một hình thức bảo lãnh ngân hàng.

Theo đó bên xác nhận bảo lãnh cam kết với bên nhận bảo lãnh về việc bảo đảm khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên bảo lãnh đối với bên nhận bảo lãnh. Bên xác nhận bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên bảo lãnh nếu bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ; bên bảo lãnh phải nhận nợ và hoàn trả cho bên xác nhận bảo lãnh, đồng thời bên được bảo lãnh phải nhận nợ và hoàn trả cho bên bảo lãnh.

- Đồng bảo lãnh là hình thức cấp tín dụng hợp vốn, theo đó có từ 02 (hai) tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trở lên cùng thực hiện bảo lãnh; hoặc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tổ chức tín dụng ở nước ngoài cùng thực hiện bảo lãnh.

(Khoản 2, 3, 4 Điều 3 Thông tư 07/2015/TT-NHNN)

3. Chủ thể trong hoạt động bảo lãnh ngân hàng

Chủ thể trong hoạt động bảo lãnh ngân hàng bao gồm:

- Bên bảo lãnh là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện bảo lãnh cho bên được bảo lãnh.

Trong trường hợp đồng bảo lãnh, bảo lãnh đối ứng và xác nhận bảo lãnh thì bên bảo lãnh bao gồm cả tổ chức tín dụng ở nước ngoài.

- Bên được bảo lãnh là tổ chức (bao gồm cả tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng ở nước ngoài), cá nhân được bảo lãnh bởi bên bảo lãnh, bên bảo lãnh đối ứng.

- Bên nhận bảo lãnh là tổ chức (bao gồm cả tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng ở nước ngoài), cá nhân có quyền thụ hưởng bảo lãnh do bên bảo lãnh, bên xác nhận bảo lãnh phát hành.

- Bên bảo lãnh đối ứng là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng ở nước ngoài thực hiện bảo lãnh đối ứng cho bên được bảo lãnh.

- Bên xác nhận bảo lãnh là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng ở nước ngoài thực hiện xác nhận bảo lãnh cho bên bảo lãnh.

- Khách hàng là tổ chức (bao gồm cả tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng ở nước ngoài), cá nhân sau:

+ Trong bảo lãnh ngân hàng (trừ bảo lãnh đối ứng, xác nhận bảo lãnh), khách hàng của bên bảo lãnh là bên được bảo lãnh;

+ Trong bảo lãnh đối ứng, khách hàng của bên bảo lãnh là bên bảo lãnh đối ứng, khách hàng của bên bảo lãnh đối ứng là bên được bảo lãnh;

+ Trong xác nhận bảo lãnh, khách hàng của bên bảo lãnh là bên được bảo lãnh, khách hàng của bên xác nhận bảo lãnh là bên bảo lãnh.

(Khoản 5, 6, 7, 8, 9, 10 Điều 3 Thông tư 07/2015/TT-NHNN)

4. Thỏa thuận cấp bảo lãnh ngân hàng

- Thỏa thuận cấp bảo lãnh là văn bản thỏa thuận giữa bên bảo lãnh hoặc bên bảo lãnh đối ứng hoặc bên xác nhận bảo lãnh với khách hàng và các bên liên quan khác (nếu có) về việc phát hành bảo lãnh ngân hàng, bảo lãnh đối ứng, xác nhận bảo lãnh cho khách hàng.

- Để thực hiện bảo lãnh, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng ký thỏa thuận cấp bảo lãnh.

Trường hợp phát hành bảo lãnh trên cơ sở bảo lãnh đối ứng thì bên bảo lãnh không bắt buộc phải ký thỏa thuận cấp bảo lãnh với bên bảo lãnh đối ứng.

(Điều 14 Thông tư 07/2015/TT-NHNN)

5. Cam kết bảo lãnh ngân hàng

Cam kết bảo lãnh là văn bản do bên bảo lãnh hoặc bên bảo lãnh đối ứng hoặc bên xác nhận bảo lãnh phát hành theo một trong các hình thức sau:

- Thư bảo lãnh là văn bản cam kết của bên bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh về việc bên bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh khi bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh.

Trường hợp bảo lãnh đối ứng, xác nhận bảo lãnh thì thư bảo lãnh bao gồm cả văn bản cam kết của bên bảo lãnh đối ứng với bên bảo lãnh, bên xác nhận bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh;

- Hợp đồng bảo lãnh là văn bản thỏa thuận giữa bên bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh và các bên có liên quan (nếu có) về việc bên bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh khi bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh.

Trường hợp bảo lãnh đối ứng, xác nhận bảo lãnh thì hợp đồng bảo lãnh bao gồm cả văn bản thỏa thuận giữa bên bảo lãnh đối ứng với bên bảo lãnh và các bên liên quan khác (nếu có), giữa bên xác nhận bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh và các bên liên quan khác (nếu có).

(Khoản 12 Điều 3 Thông tư 07/2015/TT-NHNN)

Diễm My

Chia sẻ bài viết lên facebook 149,014

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079