Vốn ODA là gì? 05 điều cần biết về vốn ODA

29/08/2022 08:40 AM

Vốn ODA là gì? Cho tôi hỏi quy định của pháp luật về vốn ODA hiện nay như thế nào? – Thanh Tùng (Đà Nẵng)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Vốn ODA là gì?

Căn cứ Điều 1, khoản 19 Điều 3 Nghị định 114/2021/NĐ-CP, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) là nguồn vốn của nhà tài trợ nước ngoài cung cấp cho Nhà nước hoặc Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để hỗ trợ phát triển, bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội. 

Vốn ODA là gì? 05 điều cần biết về vốn ODA

Vốn ODA là gì? 05 điều cần biết về vốn ODA (Hình từ Internet)

2. Phương thức cung cấp vốn ODA

Theo Điều 4 Nghị định 114/2021/NĐ-CP, các phương thức cung cấp vốn ODA bao gồm:

- Chương trình.

- Dự án.

- Phi dự án.

- Hỗ trợ ngân sách.

3. Phân loại vốn ODA

Theo khoản 19 Điều 3 Nghị định 114/2021/NĐ-CP, vốn ODA bao gồm các loại sau:

- Vốn ODA không hoàn lại là khoản vốn ODA không phải hoàn trả lại cho nhà tài trợ nước ngoài, được cung cấp theo hình thức dự án độc lập hoặc kết hợp với các dự án đầu tư sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.

- Vốn vay ODA là khoản vay nước ngoài có thành tố ưu đãi đạt ít nhất 35% đối với khoản vay có điều kiện ràng buộc liên quan đến mua sắm hàng hóa và dịch vụ theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài hoặc đạt ít nhất 25% đối với khoản vay không có điều kiện ràng buộc.

Phương pháp tính thành tố ưu đãi nêu tại Phụ lục I kèm theo Nghị định 114/2021/NĐ-CP.

4. Chương trình, dự án ưu tiên sử dụng vốn ODA

Theo Điều 5 Nghị định 114/2021/NĐ-CP, chương trình, dự án ưu tiên sử dụng vốn ODA bao gồm:

- Vốn ODA không hoàn lại được ưu tiên sử dụng để:

+ Thực hiện chương trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; 

+ Tăng cường năng lực; 

+ Hỗ trợ xây dựng chính sách, thể chế và cải cách; 

+ Phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, cứu trợ thảm họa, phòng chống dịch bệnh; 

+ Thích ứng với biến đổi khí hậu; 

+ Tăng trưởng xanh; 

+ Đổi mới sáng tạo; 

+ An sinh xã hội; 

+ Chuẩn bị các dự án đầu tư hoặc đồng tài trợ cho dự án sử dụng vốn vay ưu đãi nhằm làm tăng thành tố ưu đãi của khoản vay.

- Vốn vay ODA được ưu tiên sử dụng cho các chương trình, dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, hạ tầng kinh tế thiết yếu không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp.

- Các trường hợp ưu tiên khác thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA của các nhà tài trợ nước ngoài theo từng thời kỳ.

5. Nguyên tắc áp dụng cơ chế tài chính trong nước đối với vốn ODA

- Đối với chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương: cấp phát toàn bộ vốn vay ODA từ ngân sách trung ương.

- Đối với chương trình, dự án đầu tư thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương: Vay lại một phần hoặc toàn bộ vốn vay ODA theo quy định pháp luật về cho vay lại vốn vay ODA của Chính phủ.

- Đối với chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương sử dụng vốn vay ODA làm phần vốn nhà nước tham gia trong dự án đối tác công tư (PPP): Vay lại toàn bộ vốn vay ODA theo quy định pháp luật về cho vay lại vốn vay ODA.

- Đối với chương trình, dự án có khả năng thu hồi vốn toàn bộ hoặc một phần: Cho vay lại toàn bộ hoặc một phần vốn vay ODA từ ngân sách trung ương theo quy định pháp luật về cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.

- Đối với vốn ODA không hoàn lại, bao gồm cả vốn ODA không hoàn lại gắn với khoản vay, vốn ODA không hoàn lại cho dự án đầu tư, dự án hỗ trợ kỹ thuật (độc lập, chuẩn bị, hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư), phi dự án: Áp dụng cơ chế cấp phát toàn bộ.

(Căn cứ Điều 7 Nghị định 114/2021/NĐ-CP)

>>> Xem thêm: Chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong dự án đầu tư công thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của cơ quan nào? Trình tự lập, thẩm định, quyết định đầu tư được thực hiện như thế nào?

Công trình sửa chữa cầu giao thông nông thôn sử dụng nguồn vốn hỗn hợp (có bao gồm vốn ODA) có được chỉ định thầu hay không?

Trường hợp nào cần kiểm toán và trường hợp nào không bắt buộc làm kiểm toán trong dự án ODA? Văn bản nào quy định chi tiết về kiểm toán trong dự án ODA?

Văn Trọng

Chia sẻ bài viết lên facebook 166,267

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079