TS. Nguyễn Văn Cương: Cần sửa đổi bổ sung Luật Giao dịch điện tử, Luật Thương mại và ban hành mới một số đạo luật để khắc phục những bất cập của pháp luật hiện hành - Ảnh: VGP/Lê Sơn
Hệ thống pháp luật hiện hành về TMĐT vẫn chưa hoàn thiện và khó đáp ứng được yêu cầu phát triển
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương nhấn mạnh, hiện nay, TMĐT Việt Nam là một trong ba thị trường TMĐT tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á, với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 30%. Trong giai đoạn này, phát triển TMĐT được xem là một chính sách nhất quán của Chính phủ Việt Nam.
Tuy nhiên, pháp luật về TMĐT hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập liên quan đến các quy định về: Chữ ký điện tử, chứng thực chữ ký điện tử; thông điệp dữ liệu; "người trung gian" trong giao dịch điện tử; hợp đồng điện tử; định danh các bên tham gia hợp đồng và xác thực điện tử; kiểm soát chất lượng hàng hóa trong giao dịch TMĐT; ứng dụng TMĐT; quảng cáo, giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm; quản lý thuế và hải quan; thanh toán điện tử và bảo vệ dữ liệu cá nhân trong TMĐT.
Do đó, để đáp ứng yêu cầu tình hình mới hiện nay, Viện trưởng Nguyễn Văn Cương nêu ý kiến, cần sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử năm 2005; sửa đổi, bổ sung Luật Thương mại năm 2005 hoặc ban hành mới Luật TMĐT để khắc phục triệt để những bất cập của pháp luật hiện hành trong việc điều chỉnh hoạt động TMĐT, củng cố niềm tin của người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp vào hoạt động TMĐT ở nước ta trong thời gian tới.
Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để tăng cường trách nhiệm của thương nhân hoạt động TMĐT trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; nghiên cứu ban hành Luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân để tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp và các chủ thể có liên quan trong việc tôn trọng, bảo vệ thông tin cá nhân người tiêu dùng.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ thẳng thắn về các vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân trong TMĐT; thực trạng pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…
Hệ thống pháp luật hiện hành về TMĐT vẫn chưa hoàn thiện và khó đáp ứng được yêu cầu phát triển - Ảnh: VGP/ Lê Sơn
Hoàn thiện pháp luật về TMĐT trong bối cảnh CMCN 4.0
Đáng chú ý, nhiều đại biểu đề nghị nghiên cứu ban hành Luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân (hoặc Luật Bảo vệ thông tin cá nhân) để tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp và các chủ thể có liên quan trong việc tôn trọng, bảo vệ thông tin cá nhân, đồng thời tạo hành lang pháp lý an toàn để các doanh nghiệp thu thập, khai thác và sử dụng hợp pháp các thông tin cá nhân của người tiêu dùng.
Đề cập đến bảo vệ dữ liệu cá nhân trong TMĐT từ kinh nghiệm của các nước châu Âu, PGS.TS Trần Thị Thu Phương (Đại học Thương mại) cho biết, Liên minh châu Âu có những quy định khá chặt chẽ, mạnh mẽ đối với việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, đặc biệt là việc xử lý dữ liệu cá nhân trong TMĐT xuyên biên giới. Theo đó, Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu đã ban hành Quy định chung về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong đó mục tiêu hướng tới là bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư của cá nhân tại Liên minh châu Âu.
Trong khi đó, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể điều chỉnh về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong TMĐT xuyên biên giới, cũng như bảo vệ dữ liệu cá nhân nói chung. Hiện Việt Nam đang xây dựng Dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, cần xây dựng khung pháp lý thử nghiệm nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp truyền thống thích ứng với sự tác động từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp công nghệ hoặc doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hoặc cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo.
Lê Sơn