Các trường hợp khai thác thủy sản bất hợp pháp và mức phạt

10/09/2022 16:30 PM

Khai thác thủy sản bất hợp pháp gồm những trường hợp nào? Các hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp bị xử lý thế nào? - Hùng Dũng (Hà Tĩnh)

Các trường hợp khai thác thủy sản bất hợp pháp và mức phạt

Các trường hợp khai thác thủy sản bất hợp pháp và mức phạt

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Các trường hợp khai thác thủy sản bất hợp pháp 

Theo khoản 1 Điều 60 Luật Thủy sản 2017, các hành vi được coi là khai thác thủy sản bất hợp pháp bao gồm:

- Khai thác thủy sản không có giấy phép;

- Khai thác thủy sản trong vùng cấm khai thác, trong thời gian cấm khai thác; khai thác, vận chuyển thủy sản cấm khai thác; khai thác loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định; sử dụng nghề, ngư cụ khai thác bị cấm;

- Khai thác trái phép loài thủy sản thuộc Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm;

- Khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ khác;

- Khai thác thủy sản vượt sản lượng theo loài, khai thác sai vùng, quá hạn ghi trong giấy phép;

- Che giấu, giả mạo hoặc hủy chứng cứ vi phạm quy định liên quan đến khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản;

- Ngăn cản, chống đối người có thẩm quyền thực hiện kiểm tra, giám sát sự tuân thủ các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản;

- Chuyển tải hoặc hỗ trợ cho tàu đã được xác định có hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, trừ trường hợp bất khả kháng;

- Không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ hoặc không vận hành thiết bị thông tin liên lạc và thiết bị giám sát hành trình theo quy định;

- Không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định;

- Tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác thủy sản bất hợp pháp;

- Không ghi, ghi không đầy đủ, không đúng, không nộp nhật ký khai thác thủy sản, không báo cáo theo quy định;

- Sử dụng tàu cá không quốc tịch hoặc mang quốc tịch của quốc gia không phải là thành viên để khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển quốc tế thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực;

- Sử dụng tàu cá để khai thác thủy sản không theo quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng biển quốc tế không thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực.

2. Khai thác thủy sản bất hợp pháp bị xử lý thế nào?

Theo khoản 2 Điều 60 Luật Thủy sản 2017, tổ chức, cá nhân có hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp thì tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

2.1. Mức phạt hành chính đối với hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp

Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp được quy định tại Nghị định 42/2019/NĐ-CP.

Cụ thể, mức xử phạt đối với một số hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp được quy định như sau:

- Đối với hành vi khai thác thủy sản không có giấy phép, chủ tàu cá có thể bị phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng theo Điều 20, 23 Nghị định 42/2019/NĐ-CP.

Ngoài ra, tàu cá vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu thủy sản khai thác, tịch thu ngư cụ, tịch thu tàu cá, tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá Việt Nam

- Đối với hành vi khai thác thủy sản trong vùng cấm khai thác, trong thời gian cấm khai thác, tàu cá có thể bị phạt tiền đến 100.000.000 đồng theo Điều 7 Nghị định 42/2019/NĐ-CP.

Ngoài ra, tàu cá vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu ngư cụ khai thác thủy sản; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc thả thủy sản còn sống trở lại môi trường sống của chúng, buộc chuyển giao số thủy sản thuộc Nhóm I của Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm đã chết cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý.

- Đối với hành vi khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ khác, chủ tàu cá có thể bị phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng theo Điều 20 Nghị định 42/2019/NĐ-CP.

Ngoài ra, tàu cá vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu thủy sản khai thác, tịch thu tàu cá, tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá Việt Nam; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc chủ tàu cá phải chi trả toàn bộ kinh phí đưa ngư dân bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài bắt giữ về nước và các chi phí liên quan khác.

2.2. Khai thác thủy sản bất hợp pháp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Người nào thực hiện các hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm của các tội như:

- Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản theo Điều 242 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với mức hình phạt cao nhất lên đến 10 năm tù.

- Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo Điều 244 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với mức hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù.

Văn Trọng

Chia sẻ bài viết lên facebook 11,264

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079