Khai thác, sử dụng tài nguyên nước có phải đăng ký, xin phép?

19/09/2022 11:08 AM

Tài nguyên nước bao gồm nguồn nào? Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng tài nguyên nước có phải đăng ký, xin phép? - Khánh Ly (Vĩnh Long)

Khai thác, sử dụng tài nguyên nước có phải đăng ký, xin phép?

Khai thác, sử dụng tài nguyên nước có phải đăng ký, xin phép?

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thế nào là tài nguyên nước?

Theo khoản 1 Điều 2 Luật Tài nguyên nước 2012, tài nguyên nước bao gồm nguồn nước mặt, nước dưới đất, nước mưa và nước biển thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong đó:

- Nguồn nước là các dạng tích tụ nước tự nhiên hoặc nhân tạo có thể khai thác, sử dụng bao gồm sông, suối, kênh, rạch, hồ, ao, đầm, phá, biển, các tầng chứa nước dưới đất; mưa, băng, tuyết và các dạng tích tụ nước khác.

- Nước mặt là nước tồn tại trên mặt đất liền hoặc hải đảo.

- Nước dưới đất là nước tồn tại trong các tầng chứa nước dưới đất.

(Khoản 2, 3, 4 Điều 2 Luật Tài nguyên nước 2012)

2. Khai thác, sử dụng tài nguyên nước có phải đăng ký, xin phép?

2.1. Trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước không phải đăng ký, không phải xin phép

Các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước quy định tại các điểm a, c, d, đ khoản 1 Điều 44 Luật Tài nguyên nước 2012 bao gồm:

- Khai thác, sử dụng nước cho sinh hoạt của hộ gia đình;

- Khai thác, sử dụng nước với quy mô nhỏ cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;

- Khai thác, sử dụng nước biển để sản xuất muối;

- Khai thác, sử dụng nước phục vụ các hoạt động văn hóa, tôn giáo, nghiên cứu khoa học;

- Khai thác, sử dụng nước cho phòng cháy, chữa cháy, ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm, dịch bệnh và các trường hợp khẩn cấp khác theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.

Các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước với quy mô nhỏ cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 44 Luật Tài nguyên nước 2012 bao gồm:

- Khai thác nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 10 m3/ngày đêm không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 44 Luật Tài nguyên nước 2012;

- Khai thác nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với quy mô không vượt quá 0,1 m3/giây;

- Khai thác nước mặt cho các mục đích kinh doanh, dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp không vượt quá 100 m3/ngày đêm;

- Khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện với công suất lắp máy không vượt quá 50 kW;

- Khai thác, sử dụng nước biển phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên đất liền với quy mô không vượt quá 10.000 m3/ngày đêm; khai thác, sử dụng nước biển phục vụ các hoạt động trên biển, đảo.

2.2. Trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký, phải xin phép

Trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký, phải xin phép được quy định tại Điều 4 Thông tư 27/2014/TT-BTNMT, cụ thể như sau:
- Khu vực có mực nước dưới đất đã bị thấp hơn mực nước hạ thấp cho phép do UBND cấp tỉnh quy định; khu vực có mực nước dưới đất bị suy giảm ba (03) năm liên tục và có nguy cơ hạ thấp hơn mực nước hạ thấp cho phép;

- Khu vực bị sụt lún đất, biến dạng công trình do khai thác nước dưới đất gây ra; khu vực đô thị, khu dân cư nông thôn nằm trong vùng có đá vôi hoặc nằm trong vùng có cấu trúc nền đất yếu;

- Khu vực bị xâm nhập mặn do khai thác nước dưới đất gây ra; khu vực đồng bằng, ven biển có các tầng chứa nước mặn, nước nhạt nằm đan xen với nhau hoặc khu vực liền kề với các vùng mà nước dưới đất bị mặn, lợ;

- Khu vực đã bị ô nhiễm hoặc gia tăng ô nhiễm do khai thác nước dưới đất gây ra; khu vực nằm trong phạm vi khoảng cách nhỏ hơn một (01) km tới các bãi rác thải tập trung, bãi chôn lấp chất thải, nghĩa trang và các nguồn thải nguy hại khác;

- Khu đô thị, khu dân cư tập trung ở nông thôn, khu chế xuất, khu, cụm công nghiệp tập trung, làng nghề đã được đấu nối với hệ thống cấp nước tập trung và bảo đảm cung cấp nước ổn định cả về số lượng và chất lượng.

Đối với tổ chức, cá nhân có giếng khoan khai thác nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 10 m3/ngày đêm, giếng khoan khai thác nước dưới đất cho sinh hoạt của hộ gia đình, cho các hoạt động văn hóa, tôn giáo, nghiên cứu khoa học nằm trong các khu vực trên và có chiều sâu lớn hơn 20m thì phải thực hiện việc đăng ký khai thác nước dưới đất.

3. Điều kiện cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước

Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 20 Nghị định 201/2013/NĐ-CP (được sửa đổi tại Nghị định 136/2018/NĐ-CP), cụ thể như sau:

(1) Đã thực hiện việc thông báo, lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định Nghị định 201/2013/NĐ-CP.

(2) Có đề án, báo cáo phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước đã được phê duyệt hoặc phù hợp với khả năng nguồn nước nếu chưa có quy hoạch tài nguyên nước.

Đề án, báo cáo phải do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường lập; thông tin, số liệu sử dụng để lập đề án, báo cáo phải bảo đảm đầy đủ, rõ ràng, chính xác và trung thực.

Phương án thiết kế công trình hoặc công trình khai thác tài nguyên nước phải phù hợp với quy mô, đối tượng khai thác và đáp ứng yêu cầu bảo vệ tài nguyên nước.

(3) Đối với trường hợp khai thác, sử dụng nước dưới đất với quy mô từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên, ngoài điều kiện quy định tại mục (1), (2), còn phải có thiết bị, nhân lực hoặc có hợp đồng thuê tổ chức, cá nhân có đủ năng lực thực hiện việc quan trắc, giám sát hoạt động khai thác nước theo quy định.

Trường hợp chưa có công trình thì phải có phương án bố trí thiết bị, nhân lực thực hiện việc quan trắc, giám sát hoạt động khai thác nước.

(4) Đối với trường hợp khai thác, sử dụng nước mặt có xây dựng hồ, đập trên sông, suối phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại điểm b khoản 2 Điều 53 Luật Tài nguyên nước 2012, điều kiện quy định tại mục (1), (2) và các điều kiện sau đây:

- Có phương án bố trí thiết bị, nhân lực để vận hành hồ chứa, quan trắc, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước; phương án quan trắc khí tượng, thủy văn, tổ chức dự báo lượng nước đến hồ để phục vụ vận hành hồ chứa theo quy định đối với trường hợp chưa có công trình;

- Có quy trình vận hành hồ chứa; có thiết bị, nhân lực hoặc có hợp đồng thuê tổ chức, cá nhân có đủ năng lực để thực hiện việc vận hành hồ chứa, quan trắc, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước, quan trắc khí tượng, thủy văn và dự báo lượng nước đến hồ để phục vụ vận hành hồ chứa theo quy định đối với trường hợp đã có công trình.

>>> Xem thêm: Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng tài nguyên nước có được chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước không?

Trường hợp nào phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước? Nhà nước có những chính sách gì về nguồn tài nguyên nước?

Doanh nghiệp khai thác tài nguyên nước vì mục đích sinh hoạt của cư dân và trong doanh nghiệp thì có nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước không?

Chia sẻ bài viết lên facebook 11,078

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079