Kinh doanh viễn thông là gì? Điều kiện cấp giấy phép kinh doanh viễn thông mới nhất
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 7 Điều 3 Luật Viễn thông 2009, dịch vụ viễn thông là dịch vụ gửi, truyền, nhận và xử lý thông tin giữa hai hoặc một nhóm người sử dụng dịch vụ viễn thông, bao gồm dịch vụ cơ bản và dịch vụ giá trị gia tăng.
Kinh doanh dịch vụ viễn thông có thể hiểu là hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ hoặc thiết lập, cài đặt mạng viễn thông. Kinh doanh viễn thông bao gồm kinh doanh dịch vụ viễn thông và kinh doanh hàng hóa viễn thông. (Theo khoản 1 Điều 13 Luật Viễn thông 2009)
Trong đó, theo khoản 23 Điều 3 Luật Viễn thông 2009, doanh nghiệp viễn thông là doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam và được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông. Doanh nghiệp viễn thông bao gồm doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không có hạ tầng mạng.
Giấy phép kinh doanh viễn thông là loại giấy tờ cho phép doanh nghiệp thực hiện các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông. Theo khoản 1 Điều 34 Luật Viễn thông 2009, giấy phép kinh doanh viễn thông bao gồm giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông và giấy phép nghiệp vụ viễn thông.
Cụ thể về các loại giấy phép kinh doanh viễn thông như sau:
* Giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông bao gồm:
- Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng, có thời hạn không quá 15 năm được cấp cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng;
- Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông, có thời hạn không quá 10 năm được cấp cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không có hạ tầng mạng.
* Giấy phép nghiệp vụ viễn thông bao gồm:
- Giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển, có thời hạn không quá 25 năm được cấp cho tổ chức lắp đặt cáp viễn thông trên biển cập bờ hoặc đi qua vùng nội thủy, lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam;
- Giấy phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng, có thời hạn không quá 10 năm được cấp cho tổ chức thiết lập mạng dùng riêng;
- Giấy phép thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông, có thời hạn không quá 01 năm được cấp cho tổ chức thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông.
Cụ thể quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Viễn thông 2009, các điều kiện cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông cho doanh nghiệp cụ thể như sau:
- Doanh nghiệp được cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông;
+ Có đủ khả năng tài chính, tổ chức bộ máy và nhân lực phù hợp với quy mô của dự án;
+ Có phương án kỹ thuật, phương án kinh doanh khả thi phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia, các quy định về tài nguyên viễn thông, kết nối, giá cước, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông;
+ Có biện pháp bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin.
Doanh nghiệp được cấp Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng khi có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật Viễn thông 2009, cụ thể như sau:
+ Đáp ứng các điều kiện quy định được cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông;
+ Vốn pháp định và mức cam kết đầu tư theo quy định của Chính phủ từ Điều 19 đến Điều 21 Nghị định 25/2011/NĐ-CP.
Doanh nghiệp hoạt động viễn thông được miễn giấy phép viễn thông thuộc các trường hợp quy định tại Điều 40 Luật Viễn thông 2009, cụ thể như sau:
- Kinh doanh hàng hóa viễn thông;
- Cung cấp dịch vụ viễn thông dưới hình thức đại lý dịch vụ viễn thông;
- Thuê đường truyền dẫn để cung cấp dịch vụ ứng dụng viễn thông;
- Mạng viễn thông dùng riêng, trừ các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 5 Điều 24 Luật Viễn thông 2009.
Doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép viễn thông nếu thuộc các trường hợp được quy định tại Điều 39 Luật Viễn thông 2009, cụ thể như sau:
(1) Tổ chức bị thu hồi giấy phép viễn thông nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Viễn thông 2009;
- Có hành vi gian dối hoặc cung cấp thông tin giả mạo để được cấp giấy phép viễn thông;
- Hoạt động không phù hợp với nội dung giấy phép viễn thông được cấp, gây hậu quả nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác;
- Không triển khai trên thực tế nội dung quy định trong giấy phép viễn thông được cấp sau thời hạn hai năm, kể từ ngày được cấp giấy phép;
- Không thông báo cho Bộ Thông tin và Truyền thông khi ngừng cung cấp các dịch vụ viễn thông theo giấy phép viễn thông được cấp một năm liên tục.
- Tổ chức bị thu hồi giấy phép viễn thông trong trường hợp quy định tại (2) sau thời hạn một năm kể từ ngày bị thu hồi giấy phép có quyền đề nghị cấp giấy phép viễn thông, nếu đã khắc phục hậu quả gây ra và có đủ điều kiện để được cấp giấy phép viễn thông theo quy định tại Luật Viễn thông 2009.