Canh tác là gì? 03 điều cần biết về canh tác

13/10/2022 17:01 PM

Canh tác là gì? Và việc sử dụng trang thiết bị, vật tư nông nghiệp trong canh tác được quy định thế nào? - Quốc Bảo (An Giang)

Canh tác là gì? 03 điều cần biết về canh tác

Canh tác là gì? 03 điều cần biết về canh tác

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Canh tác là gì?

Theo khoản 3 Điều 2 Luật Trồng trọt 2018 thì canh tác là quá trình con người sử dụng tài nguyên thiên nhiên, trang thiết bị, vật tư nông nghiệp và áp dụng quy trình sản xuất để tạo ra các sản phẩm cây trồng khác nhau.

2. Quy định về việc sử dụng tài nguyên trong canh tác

Việc sử dụng tài nguyên trong canh tác được quy định tại Mục 1 Chương IV Luật Trồng trọt 2018 như sau:

2.1. Sử dụng và bảo vệ đất trong canh tác

- Cơ quan quản lý chuyên ngành về trồng trọt của địa phương, khi xác định cơ cấu cây trồng, phải căn cứ vào tính chất lý, hóa học của đất, đặc tính sinh học của cây trồng, trình độ phát triển của khoa học và công nghệ.

- Các vùng đất chuyên trồng lúa nước, trồng rau, trồng cây ăn quả lâu năm, cây công nghiệp lâu năm và cây cảnh được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy hoạch sử dụng ổn định, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế và định kỳ đánh giá chất lượng đất để có biện pháp cải tạo, sử dụng bền vững.

2.2. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa được quy định như sau:

- Phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương, nhu cầu thị trường, điều kiện nguồn nước và khí hậu;

- Hình thành vùng sản xuất tập trung theo từng cây trồng gắn với dồn điền, đổi thửa, liên kết sản xuất theo chuỗi;

- Bảo đảm khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có; phù hợp với quy hoạch và định hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương;

- Không làm mất đi điều kiện cần thiết để trồng lúa trở lại.

2.3. Bảo vệ và sử dụng tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước

- Tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước chỉ được sử dụng vào mục đích nông nghiệp; được bảo vệ và sử dụng hiệu quả.

- Tổ chức, cá nhân xây dựng công trình trên đất được chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa nước phải có phương án sử dụng tầng đất mặt.

2.4. Sử dụng nước tưới

- Cơ quan quản lý chuyên ngành về trồng trọt của địa phương có trách nhiệm xác định cơ cấu cây trồng, mùa vụ phù hợp với điều kiện nguồn nước.

- Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ thủy lợi phải bảo đảm chất lượng nước theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

- Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm sử dụng nguồn nước tưới hiệu quả; áp dụng biện pháp canh tác tiên tiến, tiết kiệm; tái sử dụng nước theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước, thủy lợi và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2.5. Sử dụng sinh vật có ích

- Sinh vật có ích trong canh tác bao gồm các sinh vật có vai trò ổn định và cải tạo độ phì nhiêu của đất, tăng sức chống chịu và khả năng sinh trưởng của cây trồng, bảo quản, chế biến sản phẩm và phụ phẩm từ cây trồng, phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng, thụ phấn cho cây trồng và mục đích có lợi khác.

- Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động canh tác phải thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến để bảo vệ và phát huy hiệu quả của sinh vật có ích.

- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức điều tra, đánh giá nguồn sinh vật có ích để có biện pháp bảo vệ và khai thác phù hợp; ban hành Danh mục các loài, chủng sinh vật có ích sử dụng trong canh tác.

3. Sử dụng trang thiết bị và vật tư nông nghiệp trong canh tác

Việc sử dụng trang thiết bị và vật tư nông nghiệp trong canh tác theo Mục 2 Chương IV Luật Trồng trọt 2018 quy định như sau:

3.1. Trang thiết bị và vật tư nông nghiệp trong canh tác

- Trang thiết bị trong canh tác bao gồm nhà kính, nhà lưới, máy móc và dụng cụ phục vụ sản xuất, tưới tiêu, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến.

- Vật tư nông nghiệp trong canh tác bao gồm:

+ Giống cây trồng;

+ Phân bón;

+ Thuốc bảo vệ thực vật;

+ Giá thể trồng cây, màng phủ đất, vật liệu giữ ẩm;

+ Hóa chất, chế phẩm sinh học sử dụng trong hoạt động trồng trọt không thuộc vật tư là phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

- Việc quản lý chất lượng trang thiết bị và vật tư nông nghiệp trong canh tác được thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, sản phẩm hàng hóa.

3.2. Yêu cầu về sử dụng trang thiết bị và vật tư nông nghiệp trong canh tác

- Tổ chức, cá nhân hoạt động canh tác chỉ được sử dụng vật tư nông nghiệp trong canh tác được phép sử dụng, lưu hành theo quy định của pháp luật; tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chuyên môn hoặc của tổ chức, cá nhân sản xuất vật tư nông nghiệp.

- Tổ chức, cá nhân sử dụng vật tư nông nghiệp trong canh tác phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, an toàn thực phẩm và hạn chế lan truyền sinh vật gây hại.

- Tổ chức, cá nhân sử dụng phân bón phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại điểm b khoản 2 Điều 54 Luật Trồng trọt 2018: Sử dụng phân bón bảo đảm hiệu quả, an toàn cho người, vật nuôi, môi trường, an toàn thực phẩm theo nguyên tắc đúng loại đất, đúng loại cây, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng cách.

- Tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

>> Xem thêm: Đất trồng lúa và 05 điều cần biết

Quốc Đạt

Chia sẻ bài viết lên facebook 16,599

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079