05 điều cần biết về đại biểu Quốc hội

20/10/2022 12:03 PM

Tiêu chuẩn để một cá nhân trở thành đại biểu Quốc hội được quy định như thế nào? - Tâm Phúc (Quảng Nam)

05 điều cần biết về đại biểu Quốc hội

05 điều cần biết về đại biểu Quốc hội

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Đại biểu Quốc hội là gì?

Theo khoản 1 Điều 21 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 (sửa đổi 2020), đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước; là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội.

Khi đó, đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm trước cử tri và trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình.

2. Tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội

Để trở thành một đại biểu Quốc hội đại diện cho nhân dân, thì người đó phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 (sửa đổi 2020), cụ thể như sau:

- Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam

- Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

- Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

- Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.

- Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.

- Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

3. Số lượng và nhiệm kỳ của đại biểu Quốc hội

* Số lượng của đại biểu Quốc hội

- Tổng số đại biểu Quốc hội không quá năm trăm người, bao gồm đại biểu hoạt động chuyên trách và đại biểu hoạt động không chuyên trách.

- Số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là bốn mươi phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội.

(Theo Điều 23 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 (sửa đổi 2020))

* Nhiệm kỳ của đại biểu Quốc hội

- Nhiệm kỳ của đại biểu Quốc hội theo nhiệm kỳ của Quốc hội.

- Nhiệm kỳ của đại biểu Quốc hội được bầu bổ sung bắt đầu từ ngày khai mạc kỳ họp tiếp sau cuộc bầu cử bổ sung đến ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa sau.

(Theo Điều 25 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 (sửa đổi 2020))

4. Các quyền của đại biểu Quốc hội

Theo Luật Tổ chức Quốc hội 2014 (sửa đổi 2020), đại biểu Quốc hội có các quyền sau đây:

- Quyền trình dự án luật, pháp lệnh và kiến nghị về luật, pháp lệnh (Điều 29)

- Quyền tham gia làm thành viên và tham gia hoạt động của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội (Điều 30)

- Quyền ứng cử, giới thiệu người ứng cử vào các chức danh do Quốc hội bầu (Điều 31)

- Quyền chất vấn (Điều 32)

- Quyền kiến nghị của đại biểu Quốc hội (Điều 33)

-  Quyền yêu cầu khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật (Điều 34)

- Quyền yêu cầu cung cấp thông tin (Điều 35)

- Quyền tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân (Điều 36)

- Quyền miễn trừ của đại biểu Quốc hội (Điều 37)

5. Trách nhiệm của đại biểu Quốc hội với cử tri

Chính vì đại biểu Quốc hội là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội nên đại biểu Quốc hội phải có trách nhiệm trước nhân dân, trước cử tri đã tín nhiệm mình.

Cụ thể tại Điều 27 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 (sửa đổi 2020), đại biểu Quốc hội phải có trách nhiệm với cử tri như sau:

- Đại biểu Quốc hội liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan;

- Phổ biến và vận động Nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật;

- Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri theo chương trình tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội. Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri ở nơi cư trú, nơi làm việc;

- Tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu quan tâm. Trong quá trình tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu và Quốc hội.

Thanh Rin

Chia sẻ bài viết lên facebook 10,298

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079