Thủ tục thành lập trung tâm dịch vụ việc làm

01/11/2022 17:30 PM

Trung tâm dịch vụ việc làm là gì? Thủ tục thành lập trung tâm dịch vụ việc làm được quy định như thế nào? - Kim Cương (Đồng Nai)

Thủ tục thành lập trung tâm dịch vụ việc làm

Thủ tục thành lập trung tâm dịch vụ việc làm

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Trung tâm dịch vụ việc làm là gì?

Theo khoản 1 Điều 37 Luật Việc làm 2013 thì trung tâm dịch vụ việc làm là đơn vị sự nghiệp công lập, bao gồm:

- Trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước thành lập;

- Trung tâm dịch vụ việc làm do tổ chức chính trị - xã hội thành lập.

2. Điều kiện thành lập trung tâm dịch vụ việc làm

Điều kiện thành lập trung tâm dịch vụ việc làm theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 23/2021/NĐ-CP như sau:

- Có mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công về việc làm;

- Phù hợp với quy hoạch mạng lưới trung tâm dịch vụ việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Có trụ sở làm việc hoặc đề án cấp đất xây dựng trụ sở làm việc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (trường hợp xây dựng trụ sở mới);

- Có trang thiết bị để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 7 Nghị định 23/2021/NĐ-CP phù hợp với tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng do cấp có thẩm quyền ban hành;

- Có ít nhất 15 người làm việc là viên chức;

- Cơ quan có thẩm quyền thành lập đảm bảo kinh phí cho các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công về việc làm theo quy định của pháp luật.

3. Thủ tục thành lập trung tâm dịch vụ việc làm

Tại Điều 4 Nghị định 23/2021/NĐ-CP thì thủ tục, hồ sơ thành lập trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện theo quy định của Chính phủ về thành lập đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo đó, hồ sơ, thủ tục đề nghị thành lập đơn vị sự nghiệp công lập được quy định tại khoản 2 Điều 11 và Điều 12 Nghị định 120/2020/NĐ-CP như sau:

* Hồ sơ đề nghị thành lập đơn vị sự nghiệp công lập:

- Tờ trình của cơ quan, tổ chức đề nghị thành lập đơn vị sự nghiệp công lập;

- Đề án thành lập đơn vị sự nghiệp công lập;

- Dự thảo văn bản của cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định thành lập đơn vị sự nghiệp công lập; dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập và các tài liệu khác có liên quan (giấy tờ đất đai, kinh phí, nguồn nhân lực);

- Văn bản thẩm định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;

- Báo cáo của cơ quan, tổ chức đề nghị thành lập về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của cơ quan, tổ chức thẩm định;

- Báo cáo của cơ quan, tổ chức đề nghị thành lập về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của các cơ quan, tổ chức liên quan (kèm theo văn bản tham gia ý kiến của các cơ quan, tổ chức liên quan) và các tài liệu khác có liên quan đến thành lập đơn vị sự nghiệp công lập;

- Các nội dung khác thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành và hướng dẫn của bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

* Thủ tục đề nghị thành lập đơn vị sự nghiệp công lập:

- Cơ quan, tổ chức đề nghị thành lập đơn vị sự nghiệp công lập gửi 01 bộ hồ sơ thành lập đơn vị sự nghiệp công lập đến cơ quan, tổ chức thẩm định được quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 120/2020/NĐ-CP để thẩm định;

Đối với các cơ quan, tổ chức liên quan để phối hợp hoặc để biết thì chỉ ghi tên các cơ quan, tổ chức đó vào mục nơi nhận của văn bản hoặc tờ trình đề nghị thành lập (trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành).

- Cơ quan, tổ chức tiếp nhận hồ sơ thành lập đơn vị sự nghiệp công lập phải lập danh mục hồ sơ theo quy định.

- Hồ sơ gửi là văn bản chính được ký tên, đóng dấu của cơ quan, tổ chức đề nghị thành lập và các tài liệu khác có liên quan theo quy định tại Điều 11 Nghị định 120/2020/NĐ-CP.

4. Nhiệm vụ của trung tâm dịch vụ việc làm

Nhiệm vụ của trung tâm dịch vụ việc làm theo Điều 7 Nghị định 23/2021/NĐ-CP như sau:

- Hoạt động tư vấn, gồm:

+ Tư vấn, định hướng về nghề nghiệp, khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động lựa chọn ngành nghề, phương án đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện phù hợp với khả năng và nguyện vọng;

+ Tư vấn việc làm cho người lao động để lựa chọn vị trí việc làm phù hợp với khả năng và nguyện vọng; tư vấn về kỹ năng tham gia dự tuyển; về tự tạo việc làm, tìm việc làm trong nước và ngoài nước;

+ Tư vấn cho người sử dụng lao động về tuyển, sử dụng và quản lý lao động; về quản trị và phát triển việc làm, phát triển nguồn nhân lực;

+ Tư vấn về chính sách lao động, việc làm cho người lao động, người sử dụng lao động.

- Giới thiệu việc làm cho người lao động.

- Cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động, gồm:

+ Tuyển lao động thông qua thi tuyển để lựa chọn những người đủ điều kiện, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động;

+ Cung ứng lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động;

+ Giới thiệu lao động cho doanh nghiệp được cấp phép đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tổ chức cá nhân đầu tư ra nước ngoài 

Hoặc đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao nhiệm vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

- Thu thập và cung cấp thông tin thị trường lao động.

- Phân tích và dự báo thị trường lao động.

- Thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm 2013.

- Đào tạo kỹ năng tham gia phỏng vấn, tìm kiếm việc làm và các kỹ năng làm việc khác; giáo dục nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện các chương trình, dự án về việc làm.

Quốc Đạt

Chia sẻ bài viết lên facebook 6,870

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079