Dịch vụ công ích thiết yếu là gì? Các dịch vụ công ích thiết yếu hiện nay

31/10/2022 12:02 PM

Tôi muốn hỏi các sản phẩm, dịch vụ nào được xem là sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu? - Đình Vũ (Bình Định)

Dịch vụ công ích thiết yếu là gì? Các dịch vụ công ích thiết yếu hiện nay

Dịch vụ công ích thiết yếu là gì? Các dịch vụ công ích thiết yếu hiện nay

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Dịch vụ công ích thiết yếu là gì?

Theo khoản 28 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu là các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu đối với đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương hoặc cộng đồng dân cư mà Nhà nước cần bảo đảm vì lợi ích chung hoặc bảo đảm quốc phòng, an ninh và việc sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ này theo cơ chế thị trường khó có khả năng bù đắp chi phí.

2. Các dịch vụ công ích thiết yếu của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

Cụ thể tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 91/2015/NĐ-CP (được sửa đổi tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định 32/2018/NĐ-CP), doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội, bao gồm:

- Dịch vụ bưu chính công ích;

- Xuất bản (không bao gồm lĩnh vực in và phát hành xuất bản phẩm);

- Hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp theo quy định của Chính phủ;

- Quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, thủy nông liên tỉnh, liên huyện, kè đá lấn biển theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

- Quản lý, khai thác, điều hành hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị; điều hành giao thông vận tải đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị;

- Dịch vụ không lưu, dịch vụ thông báo tin tức hàng không, dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn;

- Bảo đảm an toàn hàng hải (không bao gồm nạo vét, duy tu luồng hàng hải công cộng);

- Trường hợp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở đề nghị của cơ quan đại diện chủ sở hữu. (Nội dung này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 3 Điều 2 Nghị định 140/2020/NĐ-CP)

3. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu

Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết được quy định tại Điều 9 Luật Doanh nghiệp 2020, cụ thể như sau:

- Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp quy định tại Điều 7, Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2020 và quy định khác có liên quan Luật Doanh nghiệp 2020, cụ thể:

* Đối với quyền của doanh nghiệp

+ Tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm.

+ Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh.

+ Lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn.

+ Tự do tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng.

+ Kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu.

+ Tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

+ Chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh; được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

+ Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp.

+ Từ chối yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân về cung cấp nguồn lực không theo quy định của pháp luật.

+ Khiếu nại, tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.

+ Quyền khác theo quy định của pháp luật.

* Đối với nghĩa vụ của doanh nghiệp

+ Đáp ứng đủ điều kiện đầu tư kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.

+ Thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, công khai thông tin về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, báo cáo và nghĩa vụ khác theo quy định Luật Doanh nghiệp 2020.

+ Chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo; trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó.

+ Tổ chức công tác kế toán, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.

+ Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động theo quy định của pháp luật; không phân biệt đối xử, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động trong doanh nghiệp;...

+ Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

- Được hạch toán và bù đắp chi phí theo giá do pháp luật về đấu thầu quy định hoặc thu phí sử dụng dịch vụ theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Được bảo đảm thời hạn cung ứng sản phẩm, dịch vụ thích hợp để thu hồi vốn đầu tư và có lãi hợp lý.

- Cung ứng sản phẩm, dịch vụ đủ số lượng, đúng chất lượng và thời hạn đã cam kết theo giá hoặc phí do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

- Bảo đảm các điều kiện công bằng và thuận lợi cho khách hàng.

- Chịu trách nhiệm trước pháp luật và khách hàng về số lượng, chất lượng, điều kiện cung ứng và giá, phí sản phẩm, dịch vụ cung ứng.

Chia sẻ bài viết lên facebook 6,703

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079