Vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng bị xử lý thế nào? (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo Điều 10 Quy định 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 quy định về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng như sau:
(1) Vi phạm một trong các trường hợp sau, gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
- Chậm ban hành quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng theo quy định. Thiếu trách nhiệm trong việc ban hành hoặc chỉ đạo, tổ chức thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng dẫn đến vi phạm.
Không đề ra giải pháp và tổ chức thực hiện khắc phục vi phạm, khuyết điểm được cấp có thẩm quyền kết luận.
- Không chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; thiếu trách nhiệm để một số ít người hoặc cá nhân lợi dụng quyết định thay tập thể; ủy quyền cấp dưới thực hiện nhiệm vụ không đúng hoặc trái thẩm quyền.
- Không giữ vững vai trò lãnh đạo, để nội bộ mất đoàn kết, giảm sút ý chí chiến đấu; để một số ít người hoặc cá nhân lợi dụng, thao túng dẫn đến có quyết định sai trái hoặc áp dụng không đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
- Vi phạm nguyên tắc sinh hoạt đảng, không tổ chức họp đảng bộ, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy, tổ chức đảng theo quy định mà không có lý do chính đáng.
- Không chấp hành chế độ báo cáo, chế độ thông tin và trả lời chất vấn theo quy định của Đảng và Nhà nước.
(2) Vi phạm lần đầu những trường hợp quy định tại (1) mục này gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tái phạm hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo:
- Không ban hành quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng theo quy định; ban hành quy chế làm việc có nội dung sai trái, trao quyền không đúng quy định của Đảng về trách nhiệm của người đứng đầu, để người đứng đầu lạm quyền, lộng quyền, làm trái quy định.
- Cục bộ, bè phái, vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; tự phê bình và phê bình yếu kém làm giảm năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, nội bộ mất đoàn kết.
- Dung túng, bao che, không đấu tranh, xử lý kịp thời đảng viên có khuyết điểm dẫn đến đảng viên vi phạm; báo cáo sai sự thật, bao che khuyết điểm, vi phạm của cấp dưới.
- Ban hành văn bản trái chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
(3) Vi phạm một trong các trường hợp sau, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức giải tán:
- Không tổ chức sinh hoạt đảng ba kỳ liên tiếp mà không có lý do chính đáng dẫn đến xảy ra vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng,
- Nội bộ chia rẽ, bè phái, mất đoàn kết nghiêm trọng kéo dài, không còn vai trò lãnh đạo đối với địa phương, cơ quan, đơn vị.
- Ban hành nghị quyết chống lại chủ trương, quy định của Đảng, phủ định các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng.
Quy định về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng tại Điều 26 Quy định 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 như sau:
(1) Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
- Thiếu trách nhiệm trong việc chấp hành chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
- Bị kích động, xúi giục, mua chuộc, lôi kéo, cưỡng ép tham gia hoạt động gây mất dân chủ, mất đoàn kết nội bộ.
- Bị xúi giục, lôi kéo làm trái nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; vi phạm quy chế dân chủ, quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng, quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác, sinh hoạt.
- Đe dọa trả thù, trù dập người chất vấn, góp ý, phê bình, tố cáo mình hoặc người làm chứng dưới mọi hình thức.
- Không chấp hành chế độ báo cáo, chế độ thông tin và trả lời chất vấn theo quy định của Đảng, Nhà nước.
- Vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng.
(2) Trường hợp đã bị kỷ luật theo (1) mục này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phủ quyết ý kiến của đa số thành viên khi thông qua nghị quyết, quy định thuộc thẩm quyền của tập thể.
- Tham gia hoặc xúi giục, cưỡng ép người khác tham gia hoạt động chia rẽ, cục bộ gây mất đoàn kết nội bộ.
- Báo cáo sai, xuyên tạc sự thật; che giấu khuyết điểm, vi phạm của bản thân, của người khác hoặc của tổ chức; tạo thành tích giả; cơ hội, kèn cựa địa vị.
- Cục bộ, bè phái, độc đoán, chuyên quyền trong chỉ đạo, điều hành dẫn đến vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ.
- Ban hành văn bản hoặc có việc làm trái văn bản của cấp ủy, tổ chức đảng.
- Lợi dụng nguyên tắc tập trung dân chủ để vận động cá nhân, chi phối tập thể, quyết định theo ý chí chủ quan làm lợi cho cá nhân, người thân, phe nhóm.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trấn áp cấp dưới, trả thù, trù dập người có ý kiến thiểu số hoặc trái với ý kiến của mình.
- Không chấp hành chủ trương, quy định của tổ chức đảng cấp trên.
- Nói và làm trái nghị quyết, chỉ thị, quy định đã được cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị thống nhất thông qua hoặc ban hành.
- Không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; né tránh, thiếu trách nhiệm, không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.
(3) Trường hợp vi phạm quy định tại (1) và (2) mục này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:
- Vô tổ chức, vô kỷ luật, bỏ vị trí công tác nhiều lần không có lý do chính đáng; có hành vi chống lại chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
- Lợi dụng quyền dân chủ để bè phái, lợi ích nhóm hoặc lợi ích cục bộ gây mất đoàn kết trong tổ chức, cơ quan, đơn vị nơi mình sinh hoạt, công tác.
- Trả thù, trù dập người góp ý, đấu tranh, phê bình, tố cáo hoặc người cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ, người làm chứng liên quan đến vi phạm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân mình.
Quốc Đạt