Ngoại hối là gì? Các thành phần dự trữ ngoại hối nhà nước

05/11/2022 09:33 AM

Xin cho tôi hỏi ngoại hối là gì? Dự trữ ngoại hối nhà nước bao gồm những thành phần nào? - Hoàng Phi (Vĩnh Long)

Ngoại hối là gì? Các thành phần dự trữ ngoại hối nhà nước

Ngoại hối là gì? Các thành phần dự trữ ngoại hối nhà nước

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Khái niệm về ngoại hối, dự trữ ngoại hối nhà nước

1.1. Ngoại hối là gì?

Theo khoản 1 Điều 4 Pháp lệnh Ngoại hối 2005 (sửa đổi 2013), ngoại hối bao gồm:

- Đồng tiền của quốc gia khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực (sau đây gọi là ngoại tệ);

- Phương tiện thanh toán bằng ngoại tệ, gồm séc, thẻ thanh toán, hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ và các phương tiện thanh toán khác;

- Các loại giấy tờ có giá bằng ngoại tệ, gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu và các loại giấy tờ có giá khác;

- Vàng thuộc dự trữ ngoại hối nhà nước, trên tài khoản ở nước ngoài của người cư trú; vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng trong trường hợp mang vào và mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam;

- Đồng tiền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp chuyển vào và chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc được sử dụng trong thanh toán quốc tế.

1.2. Dự trữ ngoại hối nhà nước là gì?

Dự trữ ngoại hối nhà nước là tài sản bằng ngoại hối được thể hiện trong bảng cân đối tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước bao gồm:

- Dự trữ ngoại hối nhà nước chính thức là phần tài sản bằng ngoại hối thuộc sở hữu Nhà nước được Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước trực tiếp quản lý;

- Tiền gửi ngoại tệ và vàng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Kho bạc Nhà nước gửi tại Ngân hàng Nhà nước;

- Các nguồn ngoại hối khác.

(Khoản 1 Điều 3 Nghị định 50/2014/NĐ-CP)

2. Thành phần dự trữ ngoại hối nhà nước

Cụ thể tại Điều 4 Nghị định 50/2014/NĐ-CP, thành phần dự trữ ngoại hối nhà nước bao gồm:

- Ngoại tệ tiền mặt, tiền gửi bằng ngoại tệ ở nước ngoài.

Cụ thể, ngoại tệ được phép đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước là ngoại tệ tự do chuyển đổi và ngoại tệ khác theo cam kết tại các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương và đa phương do Ngân hàng Nhà nước ký kết với các ngân hàng trung ương và tổ chức tài chính quốc tế. (Điều 7 Nghị định 50/2014/NĐ-CP)

- Chứng khoán và các giấy tờ có giá khác bằng ngoại tệ do Chính phủ, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế phát hành.

- Quyền rút vốn đặc biệt, dự trữ tại Quỹ tiền tệ quốc tế.

- Vàng do Ngân hàng Nhà nước quản lý.

- Các loại ngoại hối khác của Nhà nước.

3. Nguồn hình thành dự trữ ngoại hối nhà nước

Dự trữ ngoại hối nhà nước được hình thành từ các nguồn được quy định tại Điều 5 Nghị định 50/2014/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Ngoại hối mua từ ngân sách nhà nước và thị trường ngoại hối.

- Ngoại hối từ các khoản vay ngân hàng và tổ chức tài chính quốc tế.

- Ngoại hối từ tiền gửi ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước và các tổ chức tín dụng.

- Ngoại hối mua từ các khoản sinh lời từ đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước.

- Ngoại hối từ các nguồn khác.

4. Cơ cấu, tiêu chuẩn, hạn mức đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước

* Cơ sở xây dựng tiêu chuẩn, hạn mức đầu tư ngoại hối nhà nước

Tiêu chuẩn, hạn mức đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước được xây dựng dựa trên các cơ sở theo khoản 4 Điều 6 Nghị định 50/2014/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước;

- Dự báo diễn biến tình hình thị trường tài chính quốc tế và thị trường ngoại hối trong nước;

- Hệ thống xếp hạng của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm có uy tín trên thế giới.

* Cơ sở xây dựng cơ cấu đầu tư ngoại hối nhà nước

Cơ cấu đầu tư ngoại hối nhà nước bao gồm cơ cấu đầu tư của Quỹ dự trữ ngoại hối và cơ cấu đầu tư Quỹ bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng. Cơ sở xây dựng cơ cấu đầu tư của hai loại đó được quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 6 Nghị định 50/2014/NĐ-CP.

Cụ thể quy định như sau:

- Cơ sở xây dựng cơ cấu đầu tư của Quỹ dự trữ ngoại hối:

+ Xu hướng biến động tỷ giá, lãi suất và giá vàng trên thị trường quốc tế;

+ Tình hình đầu tư vào các loại ngoại tệ và vàng trong dự trữ quốc tế của các nước trên thế giới theo thống kê của Quỹ tiền tệ quốc tế.

- Cơ sở xây dựng cơ cấu đầu tư của Quỹ bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng:

+ Mục tiêu chính sách tiền tệ, chính sách tỷ giá và giá vàng;

+ Tình hình biến động tỷ giá và giá vàng trên thị trường ngoại hối trong nước và quốc tế;

+ Tình hình sử dụng các loại ngoại tệ trong thanh toán xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ và trả nợ nước ngoài của Việt Nam;

+ Hạn mức ngoại hối của Quỹ bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong từng thời kỳ..

Ngân hàng Nhà nước quy định cơ cấu, tiêu chuẩn, hạn mức đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước.

Định kỳ 6 tháng và khi cần thiết, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định phê duyệt cơ cấu, tiêu chuẩn, hạn mức đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước và báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng thời gửi Bộ Tài chính để phối hợp.

Chia sẻ bài viết lên facebook 26,176

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079