Truất quyền thừa kế là gì? Ai không được quyền hưởng di sản thừa kế?

09/11/2022 08:06 AM

Nhiều thông tin cho rằng 3 người con gái trong vụ tẩm xăng đốt nhà mẹ ở Hưng Yên có thể bị truất quyền thừa kế. Vậy luật quy định như thế nào về truất quyền thừa kế? - Thùy Nga (TPHCM).

Truất quyền thừa kế là gì? Ai không được quyền hưởng di sản thừa kế?

Truất quyền thừa kế là gì? Ai không được quyền hưởng thừa kế?

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Truất quyền thừa kế là gì?

Theo Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

Người lập di chúc có quyền sau đây:

- Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.

- Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.

- Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.

- Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.

- Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Như vậy thì truất quyền thừa kế là quyền của người lập di chúc.

Có thể hiểu, truất quyền thừa kế là việc người lập di chúc không muốn để lại di sản thừa kế của mình cho một người nào đó và ý chí này được ghi trong di chúc.

Lưu ý: Di chúc muốn hợp pháp phải đảm bảo điều kiện luật định. Nếu di chúc không hợp pháp thì xem như nội dung truất quyền thừa kế trong di chúc xem như không có hiệu lực.

(1) Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

+ Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

+ Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

(2) Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

(3) Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

(4) Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản (1).

(5) Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Bên cạnh đó, việc truất quyền thừa kế cũng có liên quan đến việc chia thừa kế theo pháp luật.

Cụ thể, tại khoản 3 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

...

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Theo quy định này, nếu hàng thừa kế trước không còn ai (có thể do bị truất quyền thừa kế hoặc không được quyền nhận di sản,…) thì người ở hàng thừa kế tiếp theo sẽ được hưởng thừa kế.

Truất quyền thừa kế khác với không được quyền hưởng di sản

Như đã phân tích ở trên, chỉ có duy nhất một trường hợp bị truất quyền thừa kế là do ý chí của người lập di chúc. (Đây là quyền của người để lại di sản thừa kế).

Còn quy định về các trường hợp không được hưởng di sản được quy định tại Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015.

Tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 quy định những người sau đây không được quyền hưởng di sản:

- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

- Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

- Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

Những người nêu trên vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.

Châu Thanh

Chia sẻ bài viết lên facebook 33,033

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079