Quy định về trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật của cá nhân, tổ chức

08/11/2022 11:00 AM

Xin hỏi là sắp đến ngày pháp luật, vậy trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật của tổ chức, cá nhân được quy định thế nào?

Quy định về trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật của cá nhân, tổ chức

Quy định về trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật của cá nhân, tổ chức

1. Trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

Tại Điều 25 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật 2012 Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ như sau:

- Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm sau đây:

+ Ban hành theo thẩm quyền chương trình, đề án, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật và chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý triển khai thực hiện;

+ Xác định nội dung và hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng nhóm đối tượng; biên soạn tài liệu và phổ biến kiến thức pháp luật chuyên ngành; bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật của nhân dân;

+ Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang nhân dân thuộc phạm vi quản lý, chú trọng thực hiện thông qua phổ biến pháp luật trực tiếp, cung cấp văn bản quy phạm pháp luật, trang thông tin điện tử của cơ quan, các khóa học, lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn;

+ Xây dựng, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên pháp luật của bộ, ngành;

+ Chỉ đạo các trường, cơ sở dạy nghề thuộc phạm vi quản lý tổ chức giáo dục pháp luật trong cơ sở giáo dục, cơ sở dạy nghề; bố trí, chuẩn hóa, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy môn giáo dục công dân, giáo viên, giảng viên dạy pháp luật.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục pháp luật trong các cấp học và trình độ đào tạo; quy định thời gian, lộ trình hoàn thành việc chuẩn hóa giáo viên dạy môn giáo dục công dân, giáo viên, giảng viên dạy pháp luật.

- Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành chương trình giáo dục pháp luật trong các cơ sở dạy nghề.

2. Trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật của TAND, VKSND và KTNN

Căn cứ Điều 26 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật 2012 quy định về trách nhiệm của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và Kiểm toán Nhà nước như sau:

- Xây dựng, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên pháp luật của ngành.

- Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý; phổ biến kiến thức pháp luật chuyên ngành cho nhân dân bằng hình thức phù hợp.

- Kết hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân thông qua hoạt động chuyên môn.

3. Trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật của chính quyền các cấp ở địa phương

Căn cứ Điều 27 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật 2012 quy định về trách nhiệm của chính quyền các cấp ở địa phương như sau:

- HĐND các cấp có trách nhiệm sau đây:

+ Quyết định các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;

Phân bổ dự toán ngân sách địa phương cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;

+ Giám sát việc thực hiện pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật.

- UBND các cấp có trách nhiệm sau đây:

+ Ban hành theo thẩm quyền chương trình, kế hoạch, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật;

+ Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai và kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;

+ Xây dựng, tập huấn, bồi dưỡng, quản lý đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật;

Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy môn giáo dục công dân, giáo viên, giảng viên dạy pháp luật theo quy định của pháp luật;

+ Tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.

4. Trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức

Tại Điều 28 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật 2012 quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức như sau:

- Phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý, chú trọng thực hiện thông qua phổ biến pháp luật trực tiếp, đăng tải thông tin pháp luật trên trang thông tin điện tử, báo, bản tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị (nếu có);

Kết hợp thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động chuyên môn.

- Bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động;

Xây dựng, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc định kỳ mời báo cáo viên tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.

- Phối hợp với cơ quan nhà nước, tổ chức hữu quan phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân.

5. Trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật của Uỷ ban MTTQVN và tổ chức thành viên

Căn cứ Điều 29 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật 2012 quy định về trách nhiệm của Ủy ban MTTQVN và các tổ chức thành viên của Mặt trận như sau:

- Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho hội viên, đoàn viên của tổ chức mình; vận động nhân dân chấp hành pháp luật.

- Phối hợp với cơ quan nhà nước, tổ chức hữu quan phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân.

- Xây dựng, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật của tổ chức mình.

- Vận động tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia và hỗ trợ hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật.

- Tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật.

6. Trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật của tổ chức hành nghề về pháp luật

Tại Điều 30 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật 2012 quy định về trách nhiệm của tổ chức hành nghề về pháp luật, tổ chức xã hội nghề nghiệp về pháp luật, cơ sở đào tạo luật, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chức danh tư pháp như sau:

- Tổ chức hành nghề về pháp luật, tổ chức xã hội nghề nghiệp về pháp luật, cơ sở đào tạo luật, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chức danh tư pháp có trách nhiệm tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân;

Tổ chức phổ biến giáo dục, pháp luật thông qua hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý;

Kết hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động chuyên môn;

Tạo điều kiện cho thành viên của tổ chức, công chức, viên chức, giảng viên, học viên, sinh viên tham gia hoạt động tình nguyện phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Cơ sở đào tạo luật, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chức danh tư pháp có trách nhiệm tham gia bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

7. Trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật của các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân

Tại Điều 31 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật 2012 quy định về trách nhiệm của các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân như sau:

- Căn cứ vào nội dung, hình thức giáo dục pháp luật ở từng cấp học và trình độ đào tạo, các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân có trách nhiệm tổ chức thực hiện giáo dục pháp luật, bố trí giáo viên dạy môn giáo dục công dân, giáo viên, giảng viên dạy pháp luật theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với gia đình và xã hội thực hiện mục tiêu giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân.

8. Trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật của gia đình

Tại Điều 32 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật 2012 quy định về trách nhiệm của gia đình như sau:

Các thành viên trong gia đình có trách nhiệm gương mẫu chấp hành pháp luật;

Ông, bà, cha, mẹ có trách nhiệm giáo dục và tạo điều kiện cho con, cháu tìm hiểu, học tập pháp luật, rèn luyện ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật.

9. Trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp

Tại Điều 33 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật 2012 quy định về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp như sau:

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri; giám sát việc thực hiện pháp luật.

10. Trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật của cán bộ, công chức

Tại Điều 34 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật 2012 quy định về trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang nhân dân như sau:

- Tích cực tìm hiểu, học tập pháp luật; tham gia các khóa học, lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về pháp luật; gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật.

- Chủ động, tích cực kết hợp thực hiện việc phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động chuyên môn, thực thi nhiệm vụ.

- Hỗ trợ, giúp đỡ cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến lĩnh vực công tác.

Ngọc Nhi

Chia sẻ bài viết lên facebook 8,710

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079