Bố trí sĩ số sinh viên cao đẳng vượt quá quy định bị phạt tới 10 triệu đồng

27/10/2022 19:08 PM

Trường cao đẳng bố trí sĩ số sinh viên vượt quá quy định thì bị xử lý thế nào? Quy mô lớp học trong giảng dạy của trường cao đẳng hiện nay là bao nhiêu? - Châu Pha (Bà Rịa – Vũng Tàu).

Bố trí sĩ số sinh viên cao đẳng vượt quá quy định bị phạt tới 10 triệu đồng

Bố trí sĩ số sinh viên cao đẳng vượt quá quy định bị phạt tới 10 triệu đồng (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Bố trí sĩ số sinh viên cao đẳng vượt quá quy định bị phạt tới 10 triệu đồng

Chính phủ ban hành Nghị định 88/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Theo đó, phạt tiền đối với hành vi bố trí số lượng người học vượt quá quy mô lớp học theo quy định theo các mức phạt sau:

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng khi vượt quá quy mô lớp học từ 30% đến dưới 50%.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi vượt quá quy mô lớp học từ 50% trở lên.

Hiện hành, theo Điều 11 Nghị định 79/2015/NĐ-CP, phạt tiền đối với hành vi bố trí số lượng học viên, học sinh, sinh viên trong một lớp học vượt quá mức quy định với một trong các mức sau đây:

- Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi vượt quá mức quy định dưới 15%;

- Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng khi vượt quá mức quy định từ 15% đến dưới 30%;

- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi vượt quá mức quy định từ 30% trở lên.

Như vậy, việc bố trí sĩ số sinh viên cao đẳng vượt quá quy định có thể bị phạt tới 10 triệu đồng.

Nghị định 88/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 12/12/2022 và thay thế Nghị định 79/2015/NĐ-CP.

Quy mô lớp học trong giảng dạy của cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Theo Thông tư 07/2017/TT-BLĐTBXH thì quy mô lớp học trong giảng dạy của cơ sở giáo dục nghề nghiệp như sau:

Lớp học lý thuyết không quá 35 học viên, học sinh, sinh viên.

Lớp học thực hành, tích hợp không quá 18 học viên, học sinh, sinh viên đối với nghề bình thường; không quá 10 học viên, học sinh, sinh viên đối với ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo Danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

Hiệu trưởng, giám đốc các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp quyết định số học viên, học sinh, sinh viên cụ thể của lớp học, đảm bảo phù hợp với đặc điểm của từng ngành, nghề.

Giáo dục nghề nghiệp là gì? Quy định về cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, giáo dục nghề nghiệp là một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, được thực hiện theo hai hình thức là đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên.

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm:

- Trung tâm giáo dục nghề nghiệp;

- Trường trung cấp;

- Trường cao đẳng.

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tổ chức theo các loại hình sau đây:

- Cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập là cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước, do Nhà nước đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất;

- Cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục là cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc sở hữu của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân hoặc cá nhân, do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân hoặc cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất;

- Cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm cơ sở giáo dục nghề nghiệp 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài; cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Châu Thanh

Chia sẻ bài viết lên facebook 7,264

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079