Mục tiêu đến 2050, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao (Hình từ Internet)
Ngày 25/10/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 138/NQ-CP về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, quy định một số nội dung nổi bật sau:
Cụ thể, Chính phủ đặt ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao;
Mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng, trung tâm kinh tế, đô thị động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại;
Giữ vững các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế;
Bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực và an ninh nguồn nước, môi trường sinh thái được bảo vệ, thích ứng với biến đổi khí hậu;
Đời sống vật chất, tinh thần nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm.
Theo đó, đến năm 2050 Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Các vùng phát triển hài hoà, bền vững, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh. Hệ thống đô thị thông minh, hiện đại, giàu bản sắc, xanh.
Giữ gìn bản sắc văn hóa, phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc. Môi trường có chất lượng tốt, xã hội hài hoà với thiên nhiên, phát triển hiệu quả theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, cac-bon thấp.
- Giai đoạn 2011 - 2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7,5%/năm.
- GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2050 đạt khoảng 27.000 - 32.000 USD. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt 70 - 75%.
Chỉ số phát triển con người ở mức cao, đời sống của người dân hạnh phúc; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.
Tại Nghị quyết 138/NQ-CP năm 2022, Chính phủ đặt ra 04 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển quốc gia, bao gồm:
- Hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, tập trung vào hạ tầng giao thông, năng lượng, đô thị, hạ tầng số, bảo vệ môi trường, thủy lợi, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và hạ tầng văn hóa, xã hội.
- Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và không gian phát triển, bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn để làm động lực cho tăng trưởng và nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế.
- Phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng de hình thành các đầu tàu lôi kéo sự phát triển của quốc gia. Lựa chọn một số địa điểm, đô thị, vùng có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao.
Đồng thời có cơ chế, chính sách phù hợp phát triển khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để góp phần ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh.
- Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và Đông - Tây kết nối các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng. Phát triển các vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại các vùng động lực, vùng đô thị lớn.
Xem chi tiết tại Nghị quyết 138/NQ-CP ngày 25/10/2022.
Như Mai