Đây là nội dung tại Nghị quyết 12-NQ/TU ngày 26/09/2022 về định hướng phát triển huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 do Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ban hành.
Phát triển Cần Giờ trở thành thành phố nghỉ dưỡng, du lịch chất lượng cao (Hình từ Internet)
Cụ thể, theo Nghị quyết 12-NQ/TU, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tổng quát xây dựng và phát triển huyện Cần Giờ trở thành thành phố biển mang đặc trưng của một thành phố tăng trưởng xanh, thông minh, thân thiện môi trường;
Trong đó du lịch sinh thái nghỉ dưỡng chất lượng cao là mũi nhọn, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phát triển nhanh, đời sống người dân nâng cao, bộ máy quản lý nhà nước tại địa phương được tổ chức tinh gọn, hiệu quả.
Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, huyện Cần Giờ cơ bản trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực.
- Tổng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2021 - 2030 tăng 20,7%/năm;
- Đến năm 2030, tỷ trọng dịch vụ chiến 74,7% tổng giá trị sản xuất;
- Thu nhập bình quân đầu người đạt 182 triệu đồng/người/năm;
- Tỷ lệ đường đô thị được chiếu sáng đạt 100%;
- Tỷ lệ phương tiện giao thông công cộng trên địa bàn sử dụng năng lượng sạch đạt 100%;
- Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom xử lý đạt 100%;
- Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật đạt 40%;
- Giảm hộ nghèo theo chuẩn của thành phố còn dưới 3%.
Tại Nghị quyết 12-NQ/TU cũng đặt ra một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm thực hiện mục tiêu phát triển Cần Giờ thành thành phố nghỉ dưỡng, du lịch chất lượng cao, đơn cử như:
Triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2030 - 2040, để Cần Giờ trở thành một hình mẫu về sự hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái tự nhiên với nâng cao sinh kế và chất lượng sống cộng đồng dân cư, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững.
Lập, triển khai kế hoạch đề cử vùng đất ngập nước ven biển huyện Cần Giờ trở thành vùng ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar) trong bảo tồn hệ sinh thái biển, ven biển.
Triển khai hiệu quả các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, chống xâm thực, xói lở bờ biển, ngập lụt, xâm nhập mặn trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, đặc biệt là áp dụng các mô hình thông minh có khả năng thích ứng, chống chịu với thiên tai.
Có cơ chế, chính sách thu hút đội ngũ các nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư tham gia, đồng hành cùng chính quyền địa phương trong quản lý, bảo tồn, phục hồi, phát triển diện tích rừng ngập mặn, nhằm phát huy tốt nhất vai trò, giá trị Khu Dự trữ sinh quyển theo tiêu chí của Ủy ban Quốc gia Chương trình con người và sinh quyển (thuộc UNESCO, viết tắt là MAB).
Phát huy giá trị các di tích, di sản đã được xếp hạng, làng nghề truyền thống trong Khu Dự trữ sinh quyển phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan du lịch của du khách trong, ngoài nước.
Quản lý, khai thác hiệu quả các mô hình sinh kế bền vững từ các nguồn lợi tự nhiên trong Khu Dự trữ sinh quyển.
Đẩy nhanh tiến độ lập, điều chỉnh quy hoạch vùng huyện theo kết quả thi tuyển quốc tế “Ý tưởng quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 huyện Cần Giờ”; theo hướng hiện đại, sát thực tiễn làm cơ sở lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển; xây dựng khu đô thị vệ tinh tại xã Bình Khánh theo hướng phát triển thành đô thị triển lãm; xây dựng một phần khu vực ấp An Nghĩa, xã An Thới Đông (Khu B) với chức năng chính là du lịch sinh thái, sản xuất nông sản, thủy hải sản phục vụ du lịch; hình thành Khu du lịch sinh thái thân thiện môi trường khu vực thị trấn Cần Thạnh và xã Long Hòa.
Quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững nguồn lực đất đai, trong đó có tính đến quỹ đất bãi bồi, đất mặt nước, ven sông, ven biển, đất sống, ngòi, kênh, rạch nhằm phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Nâng cao chất lượng công tác lập, quản lý quy hoạch, thiết kế đô thị, quản lý quy hoạch kiến trúc, đô thị gắn với các tiêu chí đô thị loại I.
Kịp thời cập nhật, bổ sung quy hoạch cảng biển, đường ven biển vào các quy hoạch phân khu.
Tăng cường củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân khu vực biển;
Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân đối với chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ biển, đảo;
Chăm lo xây dựng tiềm lực chính trị trong khu vực phòng thủ và xây dựng lực lượng quản lý, bảo vệ biển, đảo, dự bị động viên, dân quân, tự vệ biển vững mạnh, ngày càng hiện đại, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và bảo đảm an ninh, an toàn cho dân cư vùng biển, người lao động trên biển.
Đấu tranh, triệt xóa các đường dây vận chuyển ma túy, các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trên biển, trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp và tệ nạn xã hội; giải quyết tốt các tranh chấp, khiếu kiện.
Đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật số, các giải pháp công nghệ số hiện đại đồng bộ với thành phố để triển khai ứng dụng kết nối số thông minh đảm bảo an toàn, an ninh mạng.
Xem thêm tại Nghị quyết 12-NQ/TU ngày 26/09/2022.
Như Mai