Sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD là hợp tác xã

21/10/2022 17:16 PM

(Chinhphu.vn) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang dự thảo Thông tư quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD) là hợp tác xã.

Sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD là hợp tác xã

Việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro là hình thức thay đổi hạch toán đối với khoản nợ, chuyển khoản nợ được xử lý rủi ro ra hạch toán trên các tài khoản ngoại bảng

Dự thảo Thông tư này quy định về việc phân loại, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng đối với các tài sản có (gọi tắt là nợ) phát sinh từ các hoạt động sau:

a- Cho vay;

b- Chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và giấy tờ có giá khác;

c- Cấp tín dụng dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng;

d- Bao thanh toán

đ- Trả thay theo cam kết ngoại bảng;

e- Mua và ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp (bao gồm cả trái phiếu do TCTD khác phát hành) chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom (sau đây gọi tắt là trái phiếu chưa niêm yết), không bao gồm mua trái phiếu chưa niêm yết bằng nguồn vốn ủy thác mà bên ủy thác chịu rủi ro;

g- Ủy thác cho vay;

h- Gửi tiền (trừ tiền gửi thanh toán) tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật;

i- Mua, bán nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động mua, bán nợ;

k- Mua bán lại trái phiếu Chính phủ trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật về phát hành, giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán; 

l- Mua kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi do TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành.

Nguyên tắc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro

Dự thảo nêu rõ, TCTD là hợp tác xã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong các trường hợp khách hàng là tổ chức bị giải thể, phá sản; cá nhân bị chết, mất tích; các khoản nợ được phân loại vào nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn).

TCTD là hợp tác xã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro theo nguyên tắc sau:

a- Đối với trường hợp đã xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ theo thỏa thuận của các bên, phù hợp với quy định của pháp luật, TCTD là hợp tác xã sử dụng dự phòng cụ thể để xử lý rủi ro đối với số dư nợ còn lại của khoản nợ; trường hợp sử dụng dự phòng cụ thể không đủ bù đắp rủi ro của khoản nợ thì phải sử dụng dự phòng chung để xử lý rủi ro;

b- Đối với trường hợp chưa xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, tổ chức tín dụng là hợp tác xã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro theo nguyên tắc: Sử dụng dự phòng cụ thể trích lập theo quy định tại Điều 11 Thông tư này để xử lý rủi ro đối với khoản nợ đó; khẩn trương tiến hành xử lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận với khách hàng và theo quy định của pháp luật để thu hồi nợ; trường hợp sử dụng dự phòng cụ thể và số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm không đủ bù đắp rủi ro của khoản nợ thì sử dụng dự phòng chung để xử lý rủi ro.

c- TCTD là hợp tác xã hạch toán ngoại bảng phần dư nợ đã sử dụng dự phòng cụ thể, dự phòng chung để xử lý rủi ro quy định tại các điểm a, b khoản này.

Việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro là hình thức thay đổi hạch toán đối với khoản nợ, chuyển khoản nợ được xử lý rủi ro ra hạch toán trên các tài khoản ngoại bảng; là công việc nội bộ của TCTD là hợp tác xã; không làm thay đổi nghĩa vụ trả nợ của khách hàng đối với khoản nợ được sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến khoản nợ.

TCTD là hợp tác xã không được thông báo cho khách hàng về việc khoản nợ đã được sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro. Sau khi xử lý rủi ro, TCTD là hợp tác xã phải theo dõi, có các biện pháp thu hồi nợ đầy đủ, triệt để đối với khoản nợ được xử lý rủi ro, trừ trường hợp khoản nợ sau khi xử lý rủi ro được TCTD là hợp tác xã bán cho tổ chức, cá nhân, thu được đầy đủ tiền bán nợ theo Hợp đồng mua, bán nợ.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Minh Đức

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,517

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079