Biện pháp hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu

06/12/2022 08:33 AM

Cho tôi hỏi quy định về biện pháp hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu hiện nay được quy định thế nào? - Quốc Thành (Đồng Nai)

Biện pháp hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu

Biện pháp hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Biện pháp hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu là gì?

Theo Điều 15 Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định về biện pháp hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu như sau:

- Hạn chế xuất khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định áp dụng nhằm hạn chế số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa xuất khẩu, cửa khẩu xuất khẩu hàng hóa, quyền xuất khẩu hàng hóa của thương nhân.

- Hạn chế nhập khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định áp dụng nhằm hạn chế số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa nhập khẩu, cửa khẩu nhập khẩu hàng hóa, quyền nhập khẩu hàng hóa của thương nhân.

2. Các trường hợp ngoại lệ của biện pháp hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu

Các trường hợp ngoại lệ của biện pháp hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu theo Điều 16 Luật Quản lý ngoại thương 2017 như sau:

- Việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa bị hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu quy định tại mục này không vì mục đích thương mại được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

- Việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa bị hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu quy định tại mục này đối với khu vực hải quan riêng được thực hiện theo quy định tại Mục 8 Chương II Luật Quản lý ngoại thương 2017.

3. Quy định về biện pháp hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu

Theo Tiểu mục 2, 3, 4 và 5 Mục 2 Chương II Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định về biện pháp hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu như sau:

3.1. Biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu

* Hạn ngạch xuất khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định áp dụng để hạn chế số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa xuất khẩu ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

* Hạn ngạch nhập khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định áp dụng để hạn chế số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam.

* Áp dụng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu:

- Áp dụng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu khi hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

+ Đối với hàng hóa bảo đảm cân đối vĩ mô, tăng trưởng kinh tế theo từng thời kỳ;

+ Khi nước nhập khẩu áp dụng biện pháp hạn ngạch nhập khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

- Việc áp dụng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu phải bảo đảm công khai, minh bạch về số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa; công khai, minh bạch, khách quan về phương thức phân giao hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu.

* Thẩm quyền áp dụng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu:

- Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan, tổ chức khác có liên quan để quyết định việc áp dụng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu.

- Bộ Công Thương công bố hàng hóa cần áp dụng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu.

3.2. Biện pháp hạn ngạch thuế quan xuất khẩu, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu

* Hạn ngạch thuế quan xuất khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng để quyết định số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa xuất khẩu với thuế suất cụ thể.

* Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng để quyết định số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa nhập khẩu với thuế suất ưu đãi hơn so với mức thuế suất ngoài hạn ngạch.

* Áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan xuất khẩu, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu:

- Áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan xuất khẩu, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Không áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa được dùng để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu.

- Việc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan xuất khẩu, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu phải bảo đảm công khai, minh bạch về số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa; công khai, minh bạch, khách quan về phương thức phân giao hạn ngạch thuế quan xuất khẩu, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu.

* Thẩm quyền áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan:

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quyết định lượng hạn ngạch thuế quan đối với từng hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý.

- Bộ Công Thương công bố việc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan và quyết định phương thức phân giao hạn ngạch thuế quan.

3.3. Biện pháp chỉ định cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu

* Chỉ định cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng để quyết định cửa khẩu được xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa nhất định.

* Áp dụng biện pháp chỉ định cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu:

- Áp dụng biện pháp chỉ định cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu nhằm quản lý, kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, chống chuyển tải bất hợp pháp, chống gian lận thương mại, bảo vệ uy tín hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; 

Phù hợp với điều kiện hạ tầng vật chất, kỹ thuật của từng cửa khẩu, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

- Việc áp dụng biện pháp chỉ định cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa phải bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu.

- Thương nhân có quyền tự do lựa chọn cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong các cửa khẩu đã được chỉ định.

* Thẩm quyền áp dụng biện pháp chỉ định cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu:

- Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan quyết định, công bố hàng hóa, cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tương ứng và lộ trình thực hiện.

- Quyết định áp dụng biện pháp chỉ định cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu phải được công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng chậm nhất là 45 ngày trước ngày có hiệu lực.

3.4. Biện pháp chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu

* Chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng để quyết định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu đối với một số loại hàng hóa nhất định.

* Áp dụng biện pháp chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu:

- Áp dụng biện pháp chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khi hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

+ Hàng hóa độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại theo quy định của pháp luật về thương mại;

+ Hàng hóa thuộc trường hợp phải áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp trong quản lý ngoại thương quy định tại Chương V Luật Quản lý ngoại thương 2017.

- Việc áp dụng biện pháp chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu phải bảo đảm công khai, minh bạch; bảo đảm quyền, lợi ích của Nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của thương nhân được chỉ định thực hiện hoạt động ngoại thương.

* Thẩm quyền áp dụng biện pháp chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu:

- Chính phủ quy định Danh mục hàng hóa và điều kiện chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu; quy định các Bộ, cơ quan ngang Bộ chịu trách nhiệm quản lý hàng hóa theo Danh mục.

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Quản lý ngoại thương 2017 thực hiện chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý và chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc thực hiện hoạt động ngoại thương của thương nhân được chỉ định.

Quốc Đạt

Chia sẻ bài viết lên facebook 14,728

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079