Bị giữ sổ hộ khẩu, căn cước công dân photo có sao không?

06/12/2022 07:00 AM

Tôi bị người khác giữ sổ hộ khẩu, căn cước công dân photo thì có bị rủi ro gì hay không? – Kim Liên (Bạc Liêu).

Bị giữ sổ hộ khẩu/căn cước công dân photo có sao không?

Hiện hành, khi thực hiện các thủ tục hành chính thường yêu cầu người dân xuất trình các loại giấy tờ có dán ảnh, giấy tờ tùy thân như sổ hộ khẩu, căn cước công dân,... để đối chiếu giữa bản gốc và bản sao. Nếu không có bản gốc thì phải có bản photo được chứng thực.

Do đó, nếu bị người khác giữ sổ hộ khẩu hay căn cước công dân photo thì cũng không ảnh hưởng gì. Bởi các thủ tục hành chính cần đối chiếu với bản gốc, người có thẩm quyền sẽ kiểm tra người đang thực hiện thủ tục có đúng với thông tin, nhận dạng trong bản photo căn cước hay không.

Nếu ảnh trong căn cước công dân không giống với người thực hiện thủ tục thì thủ tục này sẽ không được thực hiện, nên sẽ không ảnh hưởng gì đến người bị giữ sổ hộ khẩu, căn cước công dân photo.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc gửi ảnh căn cước công dân cho người khác cũng có nhiều rủi ro.

Chẳng hạn, từ bản photo căn cước công dân mà đối tượng xấu có thể dùng để mở tài khoản ngân hàng nhằm lừa đảo.

Hoặc thông tin từ bản photo sổ hộ khẩu, căn cước công dân bị rao bán, được gửi cho một người khác để phục vụ cho một giao dịch hay hợp đồng nào đó (vay tiền qua app, vay tín dụng đen,…) nhằm mục đích chiếm đoạt.

Bị lợi dụng sử dụng hình ảnh CMND/CCCD hai mặt để đăng ký thuê bao trả sau của các nhà mạng.

Bị các công ty ảo sử dụng thông tin cá nhân, ảnh chụp CMND/CCCD để đăng ký mã số thuế.

Bị giữ sổ hộ khẩu/căn cước công dân photo có sao không?

Bị giữ sổ hộ khẩu/căn cước công dân photo có sao không? (Hình từ internet)

Mức phạt hành vi sử dụng CMND/CCCD của người khác

Hiện hành, theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Chiếm đoạt, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân của người khác;

- Tẩy xóa, sửa chữa hoặc có hành vi khác làm sai lệch nội dung của Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân;

- Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân.

>>Xem thêm: Tổng hợp mức phạt về CCCD/CMND mà người dân cần biết

Làm gì khi căn cước công dân bị lộ thông tin?

- Kiểm tra thông tin tài khoản cùng các khoản vay. Thông thường, kẻ xấu sau khi lấy được thông tin cá nhân sẽ thực hiện các hành vi nhằm chiếm đoạt tài sản như vay tiền qua app,…

Do đó, người dân cần kiểm tra thông tin tài khoản và các khoản vay bằng cách liên hệ với ngân hàng mở thẻ thông qua tổng đài chăm sóc khách hàng để được nhân viên hỗ trợ tra cứu về khoản vay, cũng như kịp thời có phương án xử lý, khắc phục.

- Kiểm tra thông tin số điện thoại trả sau

Để kiểm tra xem số CMND/CCCD đã đăng ký bao nhiêu sim chính chủ, người dân có thể soạn tin nhắn theo cú pháp “TTTB” gửi 1414 để kiểm tra thông tin thuê bao.

Trường hợp phát hiện một số điện thoại khác mà không phải do mình đăng ký cần nhanh chóng liên hệ đến nhà mạng để xử lý.

- Kiểm tra thông tin đăng ký thuế. Nếu nghi ngờ bị lợi dụng lấy số CNMD/CCCD để đăng ký mã số thuế ảo, có thể truy cập vào địa chỉ https://canhan.gdt.gov.vn/, sau đó nhập thông tin để kiểm tra.

Châu Thanh

Chia sẻ bài viết lên facebook 20,430

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079