Về vấn đề này THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có quy định cụ thể thế nào là bản cáo trạng. Tuy nhiên, có thể hiểu bản cáo trạng là văn bản pháp lý do Viện kiểm sát lập ra nhằm khẳng định việc truy tố bị can ra trước tòa án để xét xử.
Khoản 1 Điều 132 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định bản cáo trạng được xem là một trong các loại văn bản tố tụng. Đồng thời, bản cáo trạng phải được giao cho bị can và lưu trong hồ sơ vụ án.
Bản cáo trạng là gì? Nội dung của bản cáo trạng (Hình từ Internet)
Điều 243 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về việc quyết định truy tố bị can như sau:
- Viện kiểm sát quyết định truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng.
- Bản cáo trạng ghi rõ những nội dung sau:
+ Diễn biến hành vi phạm tội;
+ Những chứng cứ xác định hành vi phạm tội của bị can, thủ đoạn, động cơ, mục đích phạm tội, tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra;
+ Việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế;
+ Những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đặc điểm nhân thân của bị can;
+ Việc thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật và việc xử lý vật chứng;
+ Nguyên nhân và điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội và tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án.
+ Phần kết luận của bản cáo trạng ghi rõ tội danh và điều, khoản, điểm của Bộ luật hình sự được áp dụng.
+ Bản cáo trạng phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra cáo trạng; họ tên, chức vụ và chữ ký của người ra bản cáo trạng.
Theo Điều 244 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra bản cáo trạng, Viện kiểm sát phải chuyển hồ sơ vụ án và bản cáo trạng đến Tòa án.
Trường hợp vụ án phức tạp thì thời hạn chuyển hồ sơ vụ án và bản cáo trạng đến Tòa án có thể kéo dài nhưng không quá 10 ngày.
Trường hợp vụ án có bị can bị tạm giam thì trước khi hết thời hạn tạm giam 07 ngày thì Viện kiểm sát thông báo cho Tòa án biết để xem xét, quyết định việc tạm giam bị can khi nhận hồ sơ vụ án.
Theo quy định tại Điều 246 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, trường hợp Tòa án quyết định trả hồ sơ vụ án yêu cầu điều tra bổ sung thì Viện kiểm sát phải xem xét căn cứ của việc yêu cầu điều tra bổ sung và giải quyết như sau:
- Nếu quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung có căn cứ mà xét thấy không cần phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra thì Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra để bổ sung tài liệu, chứng cứ; trường hợp Viện kiểm sát không thể tự điều tra bổ sung được thì Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung và chuyển ngay hồ sơ cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra.
Trường hợp kết quả điều tra bổ sung làm thay đổi cơ bản nội dung bản cáo trạng trước đó thì Viện kiểm sát phải ra bản cáo trạng mới thay thế và chuyển hồ sơ đến Tòa án. Trường hợp kết quả điều tra bổ sung dẫn đến đình chỉ vụ án thì Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án và thông báo cho Tòa án biết;
- Nếu quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung không có căn cứ thì Viện kiểm sát có văn bản nêu rõ lý do, giữ nguyên quyết định truy tố và chuyển lại hồ sơ cho Tòa án.
Như Mai