Nội dung xây dựng quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền

02/12/2022 19:00 PM

Xin hỏi về nội dung xây dựng quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền được quy định thế nào? - Quốc Thiên (Cần Thơ)

Nội dung xây dựng quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền

Nội dung xây dựng quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Rửa tiền là gì?

Theo khoản 1 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012 thì rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có, bao gồm:

- Hành vi được quy định trong Bộ luật hình sự;

- Trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có;

- Chiếm hữu tài sản nếu tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có, nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản.

2. Nội dung xây dựng quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền

Nội dung xây dựng quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền theo Điều 20 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012 như sau:

- Căn cứ vào các quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền 2012 và các quy định khác của pháp luật có liên quan, đối tượng báo cáo phải ban hành quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền với những nội dung chính sau đây:

+ Chính sách chấp nhận khách hàng;

+ Quy trình, thủ tục nhận biết khách hàng, xác minh và cập nhật thông tin khách hàng;

+ Giao dịch phải báo cáo;

+ Quy trình rà soát, phát hiện, xử lý và báo cáo giao dịch đáng ngờ; cách thức giao tiếp với khách hàng thực hiện giao dịch đáng ngờ;

+ Lưu giữ và bảo mật thông tin;

+ Áp dụng biện pháp tạm thời, nguyên tắc xử lý trong các trường hợp trì hoãn thực hiện giao dịch;

+ Chế độ báo cáo, cung cấp thông tin cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

+ Bồi dưỡng nghiệp vụ phòng, chống rửa tiền;

+ Kiểm soát và kiểm toán nội bộ việc tuân thủ các chính sách, quy định, quy trình và thủ tục liên quan đến hoạt động phòng, chống rửa tiền; trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận trong việc thực hiện quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền.

- Nội dung quy định nội bộ phải bảo đảm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý có hiệu quả các hoạt động có nghi ngờ liên quan tới rửa tiền; phù hợp cơ cấu tổ chức, quy mô hoạt động và mức độ rủi ro về rửa tiền trong hoạt động của đối tượng báo cáo và phải được phổ biến đến từng cá nhân, bộ phận có liên quan của đối tượng báo cáo.

- Đối tượng báo cáo phải thường xuyên đánh giá quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền để sửa đổi, bổ sung phù hợp.

3. Các hành vi bị cấm trong phòng, chống rửa tiền

Các hành vi bị cấm trong phòng, chống rửa tiền theo Điều 7 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012 như sau:

- Tổ chức, tham gia hoặc tạo điều kiện thực hiện hành vi rửa tiền.

- Thiết lập hoặc duy trì tài khoản vô danh hoặc tài khoản sử dụng tên giả.

- Thiết lập và duy trì quan hệ kinh doanh với ngân hàng được thành lập tại một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nhưng không có sự hiện diện hữu hình tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đó và không chịu sự quản lý, giám sát của cơ quan quản lý có thẩm quyền.

- Cung cấp trái phép dịch vụ nhận tiền mặt, séc, công cụ tiền tệ khác hoặc công cụ lưu trữ giá trị và thực hiện thanh toán cho người thụ hưởng tại một địa điểm khác.

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong phòng, chống rửa tiền xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

- Cản trở việc cung cấp thông tin phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền.

- Đe dọa, trả thù người phát hiện, cung cấp thông tin, báo cáo, tố cáo về hành vi rửa tiền.

Quốc Đạt

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,199

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079