Lấy phiếu tín nhiệm là gì? 09 bước lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội

17/01/2023 14:00 PM

Xin cho tôi hỏi lấy phiếu tín nhiệm là gì? Việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội được thực hiện qua các bước nào? - Minh Nhật (Bạc Liêu)

Lấy phiếu tín nhiệm là gì? 09 bước lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội

Lấy phiếu tín nhiệm là gì? 09 bước lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Lấy phiếu tín nhiệm là gì?

Theo khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 85/2014/QH13, lấy phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội, Hội đồng nhân dân thực hiện quyền giám sát, đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc xem xét đánh giá cán bộ.

2. Các chức vụ lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội

Cụ thể tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 85/2014/QH13, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ sau đây:

- Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước;

- Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội;

- Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ;

- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước.

3. Các bước lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội

Quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội được thực hiện qua các bước sau đây:

(1) Người được lấy phiếu tín nhiệm quy định tại mục 2 có báo cáo bằng văn bản theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết 85/2014/QH13 gửi đến Uỷ ban thường vụ Quốc hội chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.

(2) Uỷ ban thường vụ Quốc hội gửi báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm và báo cáo tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm của Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (nếu có) đến đại biểu Quốc hội chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.

(3) Trường hợp thấy cần làm rõ vấn đề liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm thì chậm nhất là 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác minh và trả lời bằng văn bản.

(4) Chậm nhất là 10 ngày trước ngày tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Quốc hội có thể gửi văn bản đến Ủy ban thường vụ Quốc hội và người được lấy phiếu tín nhiệm để yêu cầu người được lấy phiếu tín nhiệm làm rõ những nội dung thuộc căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm.

Người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm trả lời bằng văn bản gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội có yêu cầu trước ngày lấy phiếu tín nhiệm.

(5) Tại kỳ họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội quyết định danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm.

Trước khi tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội về các vấn đề có liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm.

Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo trước Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội.

(6) Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu.

(7) Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín.

Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”.

(8) Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu.

(9) Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

(Điều 8 Nghị quyết 85/2014/QH13)

4. Nguyên tắc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm

Theo Điều 4 Nghị quyết 85/2014/QH13, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm phải tuân thủ các nguyên tắc như sau:

- Bảo đảm quyền và đề cao trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; tôn trọng quyền báo cáo, giải trình của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

- Công khai, công bằng, dân chủ, khách quan; bảo đảm đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

- Bảo đảm sự ổn định và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ.

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,027

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079