06 biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự

31/01/2023 18:04 PM

Khi người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế nào? - Ngọc Khuê (Đồng Nai)

Về vấn đề này THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Khi nào áp dụng cưỡng chế thi hành án dân sự

Theo Điều 9 Luật Thi hành án dân sự 2008, Nhà nước khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành án. Người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự 2008.

06 biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự

06 biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự (Hình từ Internet)

2. Căn cứ cưỡng chế thi hành án

Điều 70 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định căn cứ để cưỡng chế thi hành án bao gồm:

- Bản án, quyết định;

- Quyết định thi hành án;

- Quyết định cưỡng chế thi hành án, trừ trường hợp bản án, quyết định đã tuyên kê biên, phong toả tài sản, tài khoản và trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Toà án.

3. 06 biện pháp cưỡng chế thi hành án

Biện pháp cưỡng chế thi hành án quy định tại Điều 71 Luật Thi hành án dân sự 2008, bao gồm:

- Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.

- Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.

- Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.

- Khai thác tài sản của người phải thi hành án.

- Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.

- Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.

4. Kế hoạch cưỡng chế thi hành án

Điều 72 Luật Thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi năm 2014) quy định kế hoạch cưỡng chế thi hành án như sau:

- Chấp hành viên lập kế hoạch cưỡng chế thi hành án trong trường hợp cần huy động lực lượng.

- Kế hoạch cưỡng chế thi hành án có các nội dung chính sau đây:

+ Tên người bị áp dụng biện pháp cưỡng chế;

+ Biện pháp cưỡng chế cần áp dụng;

+ Thời gian, địa điểm cưỡng chế;

+ Phương án tiến hành cưỡng chế;

+ Yêu cầu về lực lượng tham gia bảo vệ cưỡng chế;

+ Dự trù chi phí cưỡng chế.

- Kế hoạch cưỡng chế phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan Công an cùng cấp, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức cưỡng chế và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc cưỡng chế thi hành án. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện theo kế hoạch, yêu cầu của Chấp hành viên.

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kế hoạch cưỡng chế của cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, cơ quan Công an có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và lập phương án bảo vệ cưỡng chế.

Cơ quan Công an có trách nhiệm bố trí lực lượng, phương tiện cần thiết để giữ gìn trật tự, bảo vệ hiện trường, kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi tẩu tán tài sản, cản trở, chống đối việc thi hành án, tạm giữ người chống đối, khởi tố vụ án hình sự khi có dấu hiệu phạm tội.

5. Quy định về chi phí cưỡng chế thi hành án

Theo Điều 73 Luật Thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi năm 2014), chi phí cưỡng chế thi hành án được quy định như sau:

- Người phải thi hành án chịu chi phí cưỡng chế thi hành án sau đây:

+ Chi phí thông báo về cưỡng chế thi hành án;

+ Chi phí mua nguyên liệu, nhiên liệu, thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ, y tế, phòng, chống cháy, nổ, các thiết bị, phương tiện cần thiết khác cho việc cưỡng chế thi hành án;

+ Chi phí cho việc định giá, giám định tài sản, bán đấu giá tài sản; chi phí định giá lại tài sản, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 73 Luật Thi hành án dân sự 2008;

+ Chi phí cho việc thuê, trông coi, bảo quản tài sản; chi phí bốc dỡ, vận chuyển tài sản; chi phí thuê nhân công và khoản chi phục vụ cho việc xây ngăn, phá dỡ; chi thuê đo đạc, xác định mốc giới để thực hiện việc cưỡng chế thi hành án;

+ Chi phí cho việc tạm giữ, thu giữ tài sản, giấy tờ;

+ Tiền bồi dưỡng cho những người trực tiếp tham gia cưỡng chế và bảo vệ cưỡng chế thi hành án.

- Người được thi hành án phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án sau đây:

+ Chi phí định giá lại tài sản nếu người được thi hành án yêu cầu định giá lại, trừ trường hợp định giá lại do có vi phạm quy định về định giá;

+ Một phần hoặc toàn bộ chi phí xây ngăn, phá dỡ trong trường hợp bản án, quyết định xác định người được thi hành án phải chịu chi phí xây ngăn, phá dỡ.

- Ngân sách nhà nước trả chi phí cưỡng chế thi hành án trong các trường hợp sau đây:

+ Định giá lại tài sản khi có vi phạm quy định về định giá;

+ Chi phí xác minh điều kiện thi hành án;

+ Chi phí cần thiết khác theo quy định của Chính phủ;

+ Trường hợp đương sự được miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật.

- Chấp hành viên dự trù chi phí cưỡng chế và thông báo cho người phải thi hành án biết ít nhất 03 ngày làm việc trước ngày cưỡng chế đã được ấn định, trừ trường hợp cần thiết phải cưỡng chế ngay. Chi phí cưỡng chế thi hành án được tạm ứng từ ngân sách nhà nước.

- Các khoản chi phí cưỡng chế thi hành án được thanh toán theo mức chi thực tế, hợp lý do Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự duyệt theo đề xuất của Chấp hành viên.

Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự nơi tổ chức việc thi hành án thực hiện xét miễn, giảm các khoản chi phí cưỡng chế thi hành án.

- Chi phí cưỡng chế thi hành án do đương sự nộp hoặc được khấu trừ vào tiền thu được, tiền bán đấu giá tài sản kê biên, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ. Sau khi xử lý tài sản hoặc thu được tiền, Chấp hành viên phải làm thủ tục hoàn trả ngay các khoản tiền đã tạm ứng trước đó.

Chính phủ quy định mức bồi dưỡng cho người trực tiếp tham gia cưỡng chế và bảo vệ cưỡng chế thi hành án; thủ tục thu, nộp, miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án.

Chia sẻ bài viết lên facebook 24,161

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079