Tài sản cố định thuê tài chính là gì? Nguyên tắc trích khấu hao tài sản cố định thuê tài chính (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 3 Điều 2 Thông tư 45/2013/TT-BTC thì tài sản cố định thuê tài chính là tài sản cố định mà doanh nghiệp thuê của công ty cho thuê tài chính.
Khi kết thúc thời hạn thuê, bên thuê được quyền lựa chọn mua lại tài sản thuê hoặc tiếp tục thuê theo các điều kiện đã thỏa thuận trong hợp đồng thuê tài chính.
Tổng số tiền thuê một loại tài sản quy định tại hợp đồng thuê tài chính ít nhất phải tương đương với giá trị của tài sản đó tại thời điểm ký hợp đồng.
Mọi tài sản cố định đi thuê nếu không thoả mãn các quy định nêu trên được coi là tài sản cố định thuê hoạt động.
Cách xác định nguyên giá tài sản cố định thuê tài chính theo khoản 3 Điều 4 Thông tư 45/2013/TT-BTC như sau:
Nguyên giá tài sản cố định thuê tài chính phản ánh ở đơn vị thuê là giá trị của tài sản thuê tại thời điểm khởi đầu thuê tài sản cộng (+) với các chi phí trực tiếp phát sinh ban đầu liên quan đến hoạt động thuê tài chính.
Việc cho thuê, cầm cố, thế chấp, nhượng bán và thanh lý tài sản cố định thuê tài chính theo điểm b khoản 2 Điều 8 Thông tư 45/2013/TT-BTC như sau:
- Doanh nghiệp đi thuê phải theo dõi, quản lý, sử dụng tài sản cố định đi thuê như tài sản cố định thuộc sở hữu của doanh nghiệp và phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng thuê tài sản cố định.
- Doanh nghiệp cho thuê, với tư cách là chủ đầu tư, phải theo dõi và thực hiện đúng các quy định trong hợp đồng cho thuê tài sản cố định.
Theo Điều 9 Thông tư 45/2013/TT-BTC (sửa đổi tại Thông tư 147/2016/TT-BTC và Quyết định 1173/QĐ-BTC ngày 21/5/2013) như sau:
* Tất cả tài sản cố định hiện có của doanh nghiệp đều phải trích khấu hao, trừ những tài sản cố định sau đây:
- Tài sản cố định đã khấu hao hết giá trị nhưng vẫn đang sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Tài sản cố định khấu hao chưa hết bị mất.
- Tài sản cố định khác do doanh nghiệp quản lý mà không thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp (trừ tài sản cố định thuê tài chính).
- Tài sản cố định không được quản lý, theo dõi, hạch toán trong sổ sách kế toán của doanh nghiệp.
- Tài sản cố định sử dụng trong các hoạt động phúc lợi phục vụ người lao động của doanh nghiệp (trừ các tài sản cố định phục vụ cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp như: nhà nghỉ giữa ca, nhà ăn giữa ca, nhà thay quần áo, nhà vệ sinh, bể chứa nước sạch, nhà để xe, phòng hoặc trạm y tế để khám chữa bệnh, xe đưa đón người lao động, cơ sở đào tạo, dạy nghề, nhà ở cho người lao động do doanh nghiệp đầu tư xây dựng).
- Tài sản cố định từ nguồn viện trợ không hoàn lại sau khi được cơ quan có thẩm quyền bàn giao cho doanh nghiệp để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.
- Tài sản cố định vô hình là quyền sử dụng đất lâu dài có thu tiền sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lâu dài hợp pháp.
* Các khoản chi phí khấu hao tài sản cố định được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại các văn bản pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
* Trường hợp tài sản cố định sử dụng trong các hoạt động phúc lợi phục vụ cho người lao động của doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư 45/2013/TT-BTC có tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh thì:
Doanh nghiệp căn cứ vào thời gian và tính chất sử dụng các tài sản cố định này để thực hiện tính và trích khấu hao vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp và thông báo cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý để theo dõi, quản lý.
* Tài sản cố định chưa khấu hao hết bị mất, bị hư hỏng mà không thể sửa chữa, khắc phục được, doanh nghiệp xác định nguyên nhân, trách nhiệm bồi thường của tập thể, cá nhân gây ra.
Chênh lệch giữa giá trị còn lại của tài sản với tiền bồi thường của tổ chức, cá nhân gây ra, tiền bồi thường của cơ quan bảo hiểm và giá trị thu hồi được (nếu có), doanh nghiệp dùng Quỹ dự phòng tài chính để bù đắp.
Trường hợp Quỹ dự phòng tài chính không đủ bù đắp, thì phần chênh lệch thiếu doanh nghiệp được tính vào chi phí hợp lý của doanh nghiệp khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp.
* Doanh nghiệp cho thuê tài sản cố định hoạt động phải trích khấu hao đối với tài sản cố định cho thuê.
* Doanh nghiệp thuê tài sản cố định theo hình thức thuê tài chính (gọi tắt là tài sản cố định thuê tài chính) phải trích khấu hao tài sản cố định đi thuê như tài sản cố định thuộc sở hữu của doanh nghiệp theo quy định hiện hành.
Trường hợp ngay tại thời điểm khởi đầu thuê tài sản, doanh nghiệp thuê tài sản cố định thuê tài chính cam kết không mua lại tài sản thuê trong hợp đồng thuê tài chính, thì doanh nghiệp đi thuê được trích khấu hao tài sản cố định thuê tài chính theo thời hạn thuê trong hợp đồng.
* Trường hợp đánh giá lại giá trị tài sản cố định đã hết khấu hao để góp vốn, điều chuyển khi chia tách, hợp nhất, sáp nhập thì các tài sản cố định này phải được các tổ chức định giá chuyên nghiệp xác định giá trị nhưng không thấp hơn 20% nguyên giá tài sản đó.
Thời điểm trích khấu hao đối với những tài sản này là thời điểm doanh nghiệp chính thức nhận bàn giao đưa tài sản vào sử dụng và thời gian trích khấu hao từ 3 đến 5 năm. Thời gian cụ thể do doanh nghiệp quyết định nhưng phải thông báo với cơ quan thuế trước khi thực hiện.
Đối với các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thời điểm trích khấu hao của các tài sản cố định nói trên là thời điểm doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chuyển thành công ty cổ phần.
* Các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá theo phương pháp dòng tiền chiết khấu (DCF) thì phần chênh lệch tăng của vốn nhà nước giữa giá trị thực tế và giá trị ghi trên sổ sách kế toán không được ghi nhận là tài sản cố định vô hình và được phân bổ dần vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng thời gian không quá 10 năm.
Thời điểm bắt đầu phân bổ vào chi phí là thời điểm doanh nghiệp chính thức chuyển thành công ty cổ phần (có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh).
* Việc trích hoặc thôi trích khấu hao tài sản cố định được thực hiện bắt đầu từ ngày (theo số ngày của tháng) mà tài sản cố định tăng hoặc giảm. Doanh nghiệp thực hiện hạch toán tăng, giảm tài sản cố định theo quy định hiện hành về chế độ kế toán doanh nghiệp.
Các tài sản cố định loại 6 được quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 45/2013/TT-BTC không phải trích khấu hao, chỉ mở sổ chi tiết theo dõi giá trị hao mòn hàng năm của từng tài sản và không được ghi giảm nguồn vốn hình thành tài sản.
* Đối với các công trình xây dựng cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng, doanh nghiệp đã hạch toán tăng tài sản cố định theo giá tạm tính do chưa thực hiện quyết toán.
Khi quyết toán công trình xây dựng cơ bản hoàn thành có sự chênh lệch giữa giá trị tạm tính và giá trị quyết toán, doanh nghiệp phải điều chỉnh lại nguyên giá tài sản cố định theo giá trị quyết toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Doanh nghiệp không phải điều chỉnh lại mức chi phí khấu hao đã trích kể từ thời điểm tài sản cố định hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng đến thời điểm quyết toán được phê duyệt.
Chi phí khấu hao sau thời điểm quyết toán được xác định trên cơ sở lấy giá trị quyết toán tài sản cố định được phê duyệt trừ (-) số đã trích khấu hao đến thời điểm phê duyệt quyết toán tài sản cố định chia (:) thời gian trích khấu hao còn lại của tài sản cố định theo quy định.
* Đối với các tài sản cố định doanh nghiệp đang theo dõi, quản lý và trích khấu hao theo Thông tư 203/2009/TT-BTC nay không đủ tiêu chuẩn về nguyên giá tài sản cố định theo quy định tại Điều 3 Thông tư 45/2013/TT-BTC thì:
Giá trị còn lại của các tài sản này được phân bổ vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thời gian phân bổ không quá 3 năm.
Như vậy, đối với doanh nghiệp thuê tài sản cố định thuê tài chính phải trích khấu hao tài sản cố định đi thuê như tài sản cố định thuộc sở hữu của doanh nghiệp theo quy định hiện hành
Trường hợp ngay tại thời điểm khởi đầu thuê tài sản, doanh nghiệp thuê tài sản cố định thuê tài chính cam kết không mua lại tài sản thuê trong hợp đồng thuê tài chính, thì doanh nghiệp đi thuê được trích khấu hao tài sản cố định thuê tài chính theo thời hạn thuê trong hợp đồng.