Quy định tại Điều 2 Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 có các quy định về hộ chiếu gắn chip điện tử là hộ chiếu có gắn thiết bị điện tử lưu giữ thông tin được mã hóa của người mang hộ chiếu và chữ ký số của người cấp.
Hộ chiếu là giấy tờ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam sử dụng để xuất cảnh, nhập cảnh, chứng minh quốc tịch và nhân thân.
Ngoài các thông tin cơ bản như tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, quốc tịch,... chip điện tử còn có khả năng lưu trữ các thông tin sinh trắc cá nhân như vân tay, khuôn mặt, mống mắt,...
Theo quy định tại Thông tư 73/2021/TT-BCA quy định về mẫu hộ chiếu, giấy thông hành và các biểu mẫu liên quan do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành:
Điều 6. Hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 14 tháng 8 năm 2021.
2. Các ấn phẩm trắng hộ chiếu, giấy thông hành đã cung cấp cho các cơ quan trước ngày Thông tư này có hiệu lực mà chưa cấp hết thì được tiếp tục sử dụng, chậm nhất đến ngày 01 tháng 01 năm 2022 phải thực hiện thống nhất theo mẫu hộ chiếu, giấy thông hành quy định tại Thông tư này.
3. Hộ chiếu, giấy thông hành đã được cấp trước ngày 01 tháng 01 năm 2022 có giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trong hộ chiếu, giấy thông hành.
Do đó, hộ chiếu không gắn chip và có gắn chip được sử dụng song hành. Các mẫu hộ chiếu được cấp trước ngày 01/01/2022 vẫn tiếp tục sử dụng đến khi hết thời hạn của hộ chiếu, không bắt buộc đổi sang hộ chiếu gắn chip điện tử.
Tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư 73/2021/TT-BCA quy định như sau:
Mặt ngoài của trang bìa in quốc hiệu, quốc huy, tên hộ chiếu; có biểu tượng chíp điện tử;
Hình ảnh tại các trang trong hộ chiếu là cảnh đẹp đất nước, di sản văn hóa Việt Nam, kết hợp cùng họa tiết trống đồng;
Chíp điện tử được đặt trong bìa sau của hộ chiếu;
Hộ chiếu gắn chip điện tử (Hình từ internet)
Ngôn ngữ sử dụng trong hộ chiếu: tiếng Việt và tiếng Anh;
Số trang trong cuốn hộ chiếu không kể trang bìa: 48 trang đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và hộ chiếu phổ thông có thời hạn 5 năm hoặc 10 năm, 12 trang đối với hộ chiếu phổ thông có thời hạn không quá 12 tháng;
Bìa hộ chiếu là loại vật liệu nhựa tổng hợp, có độ bền cao;
Chữ, số hộ chiếu được đục lỗ bằng công nghệ laser thông suốt từ trang 1 tới bìa sau cuốn hộ chiếu và trùng với chữ, số ở trang 1;
Toàn bộ nội dung, hình ảnh in trong hộ chiếu được thực hiện bằng công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo an, chống nguy cơ làm giả và đạt tiêu chuẩn ICAO.
Hiện nay có 3 mẫu hộ chiếu sau: Hộ chiếu ngoại giao có trang bìa màu nâu đỏ; hộ chiếu công vụ có trang bìa màu xanh lá cây đậm; hộ chiếu phổ thông có trang bìa màu xanh tím. (Khoản 2 Điều 2 Thông tư 73/2021/TT-BCA)
Thủ tục cấp hộ chiếu gắn chíp điện tử được quy định như sau:
Đối với công dân có căn cước công dân, việc đề nghị cấp hộ chiếu gắn chip điện tử tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh bất kỳ mà công dân thuận lợi.
(Khoản 3 Điều 15 Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019)
Còn đối với công dân đang sử dụng chứng minh nhân dân, buộc công dân phải thực hiện tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Trong trường hợp đề nghị cấp hộ chiếu từ lần thứ 2 trở đi, có thể được lựa chọn nơi làm thủ tục cấp hộ chiếu tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Phòng quản lý xuất nhập cảnh công an cấp tỉnh bất kỳ. (Khoản 3, khoản 5 Điều 15 Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019)
Theo luật định tại Điều 15 Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, các bước để đăng ký cấp hộ chiếu:
Bước 1: Chuẩn bị nộp tờ khai theo mẫu đã điền đầy đủ thông tin, 02 ảnh chân dung và giấy tờ liên quan theo quy định; xuất trình Chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng tại Cơ quan theo từng trường hợp nếu trên.
Bước 2: Chụp ảnh, thu thập vân tay của; lấy giấy hẹn trả kết quả.
Bước 3: Nhận hộ chiếu tại địa điểm trên giấy hẹn hoặc chuyển phát về địa chỉ yêu cầu.
Hộ chiếu sẽ được cấp trong hạn 8 ngày làm việc nếu làm thủ tục tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh các địa phương, nếu làm hộ chiếu tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an là 5 ngày làm việc .
Tại Thông tư 25/2021/TT-BTC có quy định mức phí khi làm hộ chiếu, theo đó: 200.000đ/hộ chiếu. Trường hợp cấp lại do bị hỏng hoặc bị mất: 400.000đ/hộ chiếu
Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 5 Thông tư 25/2021/TT-BTC, các trường hợp được miễn lệ phí cấp hộ chiếu bao gồm:
Người Việt Nam ở nước ngoài có quyết định trục xuất bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước sở tại nhưng không có hộ chiếu;
Người Việt Nam ở nước ngoài phải về nước theo điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế về việc nhận trở lại công dân nhưng không có hộ chiếu;
Những trường hợp vì lý do nhân đạo.
Bên cạnh đó còn có trường hợp được hoàn trả lệ phí cấp hộ chiếu căn cứ khoản 3 Điều 6 Thông tư 25/2021/TT-BTC: Người đã nộp lệ phí nhưng không đủ điều kiện được cấp hộ chiếu thì được hoàn trả lệ phí cấp hộ chiếu.