Về vấn đề này THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Pháp luật hiện nay chưa có quy định cụ thể thế nào là mốc giới, tuy nhiên căn cứ quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 về mốc giới giữa các bất động sản liền kề, có thể hiểu mốc giới là điểm ngăn cách giữa các bất động sản liền kề, do các chủ sở hữu bất động sản liền kề thỏa thuận với nhau và những vật mốc giới là sở hữu chung của các chủ thể.
Các vật mốc giới có thể là cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn trên ranh giới.
Căn cứ Điều 2 Thông tư 10/2016/TT-BXD, các loại mốc giới được quy định như sau:
- Các mốc giới cắm ngoài thực địa gồm: mốc tim đường, mốc chỉ giới đường đỏ, mốc ranh giới khu vực cấm xây dựng theo hồ sơ cắm mốc giới đã được phê duyệt.
- Mốc tim đường là mốc xác định tọa độ và cao độ vị trí các giao Điểm và các Điểm chuyển hướng của tim đường, có ký hiệu TĐ
- Mốc chỉ giới đường đỏ là mốc xác định đường ranh giới phân định giữa phần lô đất để xây dựng công trình và phần đất được dành cho đường giao thông hoặc các công trình hạ tầng kỹ thuật, có ký hiệu CGĐ.
- Mốc ranh giới khu vực cấm xây dựng là mốc xác định đường ranh giới khu vực cấm xây dựng; khu bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa và các khu vực cần bảo vệ khác, có ký hiệu RG.
- Trong trường hợp mốc giới cần cắm nằm bên trong công trình hiện trạng, gây ảnh hưởng đến công trình hiện trạng thì xác định mốc tham chiếu để thay thế mốc giới cần cắm, có ký hiệu MTC.
Theo QCVN 41:2019/BGTVT, mốc lộ giới là cọc mốc được đặt ở mép ngoài cùng xác định ranh giới của đất dành cho đường bộ theo chiều ngang đường.
Điều 73 QCVN 41:2019/BGTVT quy định cọc mốc lộ giới là một loại báo hiệu đường bộ dùng để xác định giới hạn bề rộng đất dành cho đường bộ (gồm đất của đường bộ và hành lang an toàn đường bộ) theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.
* Quy định cắm cọc mốc lộ giới
- Đường qua khu đông dân cư, thị xã, làng, bản: bình quân cứ 100 m cắm một cột về mỗi bên đường.
- Đường qua khu vực đồng ruộng, đồi thấp, ngoài khu đông dân cư, tùy theo địa hình cụ thể mà cự ly các cột thay đổi từ 200 m đến 500 m.
- Ở vùng núi cao chỉ cắm đại diện ở một số vị trí sao cho đủ để giúp cho quản lý hành lang an toàn đường bộ.
(Điều 75 QCVN 41:2019/BGTVT)
Khoản 5 Điều 4 Luật Biên giới Quốc gia 2003 quy định mốc quốc giới là dấu hiệu bằng vật thể dùng để đánh dấu đường biên giới quốc gia trên đất liền.
Đồng thời, biên giới quốc gia trên đất liền được hoạch định và đánh dấu trên thực địa bằng hệ thống mốc quốc giới.
Lưu ý: Nghiêm cấm xê dịch, phá hoại mốc quốc giới; làm sai lệch, chệch hướng đi của đường biên giới quốc gia; làm đổi dòng chảy tự nhiên của sông, suối biên giới; gây hư hại mốc quốc giới.
- Biên giới quốc gia, hệ thống mốc quốc giới, công trình biên giới phải được giữ gìn, quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt.
- Người phát hiện mốc quốc giới bị hư hại, bị mất, bị sai lệch vị trí làm chệch hướng đi của đường biên giới quốc gia hoặc công trình biên giới bị hư hại phải báo ngay cho Bộ đội biên phòng hoặc chính quyền địa phương, cơ quan nơi gần nhất.