Tiêu chuẩn thành viên Ủy ban Cạnh tranh quốc gia

10/03/2023 17:26 PM

Xin hỏi để làm thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cần đáp ứng được các tiêu chuẩn gì? - Tuấn Minh (Thừa Thiên - Huế)

Tiêu chuẩn thành viên Ủy ban Cạnh tranh quốc gia

Tiêu chuẩn thành viên Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Hình ảnh internet)

1. Nhiệm vụ, số lượng của thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

Điều 48 Luật Cạnh tranh 2018 quy định về thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia như sau:

- Thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thực hiện nhiệm vụ tham gia Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh theo trình tự, thủ tục tố tụng cạnh tranh quy định tại Luật Cạnh tranh 2018.

- Số lượng thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tối đa là 15 người, gồm Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và các thành viên khác. Thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là công chức của Bộ Công Thương, các Bộ, ngành có liên quan, các chuyên gia và nhà khoa học.

- Thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

- Nhiệm kỳ của thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại.

2. Tiêu chuẩn Thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

Theo Điều 49 Luật Cạnh tranh 2018 quy định về tiêu chuẩn Thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia như sau:

(1) Là công dân Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực.

(2) Có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành luật, kinh tế, tài chính.

(3) Có tổng thời gian công tác thực tế ít nhất là 09 năm trong một hoặc một số lĩnh vực quy định tại (2).

3. Quy định về Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

3.1 Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là gì?

Theo Điều 46 Luật Cạnh tranh 2018 quy định về Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia như sau:

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan thuộc Bộ Công Thương gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các thành viên.

Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh và các đơn vị chức năng khác là bộ máy giúp việc của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

3.2 Nhiệm vụ và quyền hạn Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

- Về tố tụng cạnh tranh

+ Phát hiện, xác minh và đánh giá các thông tin, chứng cứ về hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về cạnh tranh;

+ Tiếp nhận, xác minh, đánh giá các thông tin, chứng cứ về hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về cạnh tranh do tổ chức, cá nhân cung cấp; tiếp nhận, xem xét, thụ lý hồ sơ khiếu nại vụ việc cạnh tranh;

+ Tiến hành điều tra vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật;

+ Xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật;

+ Tiếp nhận, thụ lý, giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật;

+ Tham gia tố tụng hành chính liên quan đến quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

+ Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền phối hợp, hỗ trợ quá trình điều tra và xử lý vụ việc cạnh tranh; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến vụ việc cạnh tranh;

+ Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong quá trình điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

+ Tiến hành hoạt động hợp tác với các cơ quan cạnh tranh của nước ngoài trong quá trình tố tụng cạnh tranh theo quy định của pháp luật;

+ Phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình điều tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh có dấu hiệu của tội phạm;

+ Tiếp nhận, xem xét đơn xin hưởng khoan hồng, quyết định việc miễn hoặc giảm mức xử phạt theo chính sách khoan hồng theo quy định của pháp luật về cạnh tranh;

+ Xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng một số hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh;

+ Thực hiện các nhiệm vụ khác về tố tụng cạnh tranh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

- Kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế theo quy định của pháp luật về cạnh tranh; tiếp nhận, thụ lý hồ sơ thông báo tập trung kinh tế, thẩm định, quyết định về việc tập trung kinh tế theo quy định của pháp luật.

- Tiếp nhận, thụ lý, thẩm định hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật.

- Giám sát, phát hiện, xác minh và xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm quy định liên quan đến hành vi gây cản trở cạnh tranh trên thị trường của cơ quan nhà nước và các hành vi bị nghiêm cấm khác có liên quan đến cạnh tranh của tổ chức, cá nhân.

- Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật do Bộ trưởng Bộ Công Thương giao.

(Điều 2 Nghị định 03/2023/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01/04/2023)

Đỗ Thành Long

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,808

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079