Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo Điều 226 Bộ luật Hình sự

10/03/2023 16:16 PM

Cho tôi hỏi tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp bị xử lý như thế nào theo Bộ luật Hình sự? - Quốc Tuấn (Bình Dương)

Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo Điều 226 Bộ luật Hình sự

Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo Điều 226 Bộ luật Hình sự (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Quyền sở hữu công nghiệp là gì?

Theo khoản 4 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi 2009, 20192022), quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

2. Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo Điều 226 Bộ luật Hình sự

2.1. Cấu thành tội phạm về Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp 

* Chủ thể:

Chủ thể của tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.

* Khách thể:

Khách thể của tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp là quyền sở hữu, quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp của cá nhân, pháp nhân được pháp luật quy định và bảo vệ.

* Mặt khách quan

Người phạm tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp khi thực hiện một trong số các hành vi sau:

- Chiếm đoạt quyền sở hữu (quyền sở hữu trí tuệ) đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp gồm: nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam.

- Có hành vi sử dụng bất hợp pháp (trái pháp luật) đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp.

* Mặt chủ quan:

- Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.

- Người phạm tội thực hiện tội phạm vì mục đích kinh doanh (vụ lợi), đây là một trong các dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này, người có các hành vi nêu ở trên nhưng không vì mục đích kinh doanh thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

2.2. Các khung hình phạt đối với Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp

Nếu các cá nhân, tổ chức có hành vi cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 226 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp với khung hình phạt như sau:

(1) Đối với cá nhân:

* Khung 1: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm khi:

Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng

Hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

* Khung 2: Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với các trường hợp sau đây:

(i) Có tổ chức;

(ii) Phạm tội 02 lần trở lên;

(iii) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;

(iv) Gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý 500.000.000 đồng trở lên;

(v) Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.

* Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. 

(2) Đối với pháp nhân thương mại:

Cụ thể tại khoản 4 Điều 226 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), pháp nhân thương mại phạm tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thì xử phạt như sau:

+ Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng khi thực hiện hành vi quy định tại Khung 1 đối với cá nhân với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng

Hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu

Hoặc chỉ dẫn địa lý từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này

Hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

+ Phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm khi phạm tội thuộc trường hợp quy định tại (i), (ii), (iii), (iv), (v) khung 2 đối với cá nhân;

+ Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Nguyễn Thị Hoài Thương

Chia sẻ bài viết lên facebook 24,906

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079