Thời hạn nộp và công khai báo cáo tài chính trong hoạt động kế toán
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Kế toán 2015, báo cáo tài chính là hệ thống thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán được trình bày theo biểu mẫu quy định tại chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán.
Thời hạn nộp báo cáo tài chính được quy định như sau:
- Đối với báo cáo tài chính của đơn vị kế toán:
Báo cáo tài chính năm của đơn vị kế toán phải được nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm theo quy định của pháp luật.
- Đối với báo cáo tài chính nhà nước:
Báo cáo tài chính nhà nước được lập và trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân cùng với thời điểm quyết toán ngân sách nhà nước theo quy định của Luật ngân sách nhà nước 2015.
(Khoản 3 Điều 29 và Khoản 4 Điều 30 Luật Kế toán 2015)
Thời hạn công khai báo cáo tài chính được quy định như sau:
(1) Đối với báo cáo tài chính của đơn vị kế toán:
- Thời hạn công khai báo cáo tài chính của đơn vị kế toán sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
- Đơn vị kế toán không sử dụng ngân sách nhà nước, đơn vị kế toán có sử dụng các khoản đóng góp của Nhân dân phải công khai báo cáo tài chính năm trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nộp báo cáo tài chính.
- Đơn vị kế toán thuộc hoạt động kinh doanh phải công khai báo cáo tài chính năm trong thời hạn 120 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm.
Trường hợp pháp luật về chứng khoán, tín dụng, bảo hiểm có quy định cụ thể về hình thức, thời hạn công khai báo cáo tài chính khác với quy định Luật Kế toán 2015 thì thực hiện theo quy định của pháp luật về lĩnh vực đó.
(Khoản 2, 3 và 4 Điều 32 Luật Kế toán 2015)
(2) Đối với báo cáo tài chính nhà nước:
+ Ủy ban nhân dân tỉnh công khai báo cáo tài chính nhà nước tỉnh trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Báo cáo tài chính nhà nước tỉnh được báo cáo trước Hội đồng nhân dân tỉnh;
+ Bộ Tài chính công khai Báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc được báo cáo trước Quốc hội.
(Khoản 3 Điều 14 Nghị định 25/2017/NĐ-CP)
Theo Điều 31 Luật Kế toán 2015, nội dung công khai báo cáo tài chính của đơn vị kế toán được quy định như sau:
- Đơn vị kế toán sử dụng ngân sách nhà nước công khai thông tin thu, chi ngân sách nhà nước theo quy định của Luật ngân sách nhà nước 2015.
- Đơn vị kế toán không sử dụng ngân sách nhà nước công khai quyết toán thu, chi tài chính năm.
- Đơn vị kế toán sử dụng các khoản đóng góp của Nhân dân công khai mục đích huy động và sử dụng các khoản đóng góp, đối tượng đóng góp, mức huy động, kết quả sử dụng và quyết toán thu, chi từng khoản đóng góp.
- Đơn vị kế toán thuộc hoạt động kinh doanh công khai các nội dung sau đây:
+ Tình hình tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu;
+ Kết quả hoạt động kinh doanh;
+ Trích lập và sử dụng các quỹ;
+ Thu nhập của người lao động;
+ Các nội dung khác theo quy định của pháp luật.
- Báo cáo tài chính của đơn vị kế toán mà pháp luật quy định phải kiểm toán khi công khai phải kèm theo báo cáo kiểm toán của tổ chức kiểm toán.
Nội dung công khai báo cáo tài chính nhà nước được quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 25/2017/NĐ-CP như sau:
- Ủy ban nhân dân tỉnh công khai các thông tin trong báo cáo tài chính nhà nước tỉnh, bao gồm:
+ Tình hình tài sản của Nhà nước;
+ Nợ chính quyền địa phương, các khoản phải trả khác của Nhà nước;
+ Nguồn vốn của Nhà nước;
+ Tình hình thu nhập, chi phí và kết quả hoạt động tài chính nhà nước;
+ Tình hình lưu chuyển tiền tệ nhà nước trên phạm vi tỉnh; trừ số liệu chi tiết thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, dự trữ quốc gia.
- Bộ Tài chính công khai các thông tin trong báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc, bao gồm:
+ Tình hình tài sản của Nhà nước;
+ Nợ công và các khoản phải trả khác của Nhà nước;
+ Nguồn vốn của Nhà nước;
+ Tình hình thu nhập, chi phí và kết quả hoạt động tài chính nhà nước;
+ Tình hình lưu chuyển tiền tệ nhà nước trên phạm vi toàn quốc; trừ số liệu chi tiết thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, dự trữ quốc gia.
Nguyễn Thị Hoài Thương