Hội đồng giám định y khoa là gì? Trình tự giám định y khoa

27/03/2023 14:05 PM

Hội đồng giám định y khoa là gì? Trình tự giám định y khoa bao gồm những bước gì? - Nhã Phương (Hưng Yên)

Hội đồng giám định y khoa là gì?

Hội đồng giám định y khoa là gì? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT xin giải đáp như sau:

Thông tư 01/2023/TT-BYT sắp có hiệu lực vào ngày 15/4/2023 quy định về trình tự giám định y khoa cũng như việc thành lập Hội đồng y khoa được thể hiện như sau.

Hội đồng giám định y khoa là gì?

Tại Điều 1 Thông tư 01/2023/TT-BYT quy định về Hội đồng giám định y khoa như sau:

- Hội đồng giám định y khoa các cấp là Hội đồng chuyên môn về y tế được thành lập để xác định tình trạng sức khỏe, mức độ tổn thương cơ thể (nếu có) do thương tích, bệnh, tật, dị dạng, dị tật theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Hội đồng giám định y khoa các cấp có con dấu riêng sử dụng trong việc xác nhận Biên bản giám định y khoa.

Nhiệm kỳ hoạt động của Hội đồng giám định y khoa là 05 (năm) năm, kể từ ngày ký quyết định thành lập, trừ Hội đồng giám định y khoa phúc quyết lần cuối.

- Thành phần Hội đồng giám định y khoa:

+ Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh, các Bộ, cấp trung ương có 05 (năm) thành viên.

+ Hội đồng giám định y khoa phúc quyết lần cuối tối thiểu có 05 (năm) thành viên.

Các thành viên hoạt động theo cơ chế kiêm nhiệm, bao gồm các chức danh: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên môn.

Trình tự giám định y khoa

Tại Phụ lục 1 Thông tư 01/2023/TT-BYT quy định về trình tự giám định y khoa như sau:

Bước 1: Xác định đối tượng giám định y khoa

- Giám định y khoa lần đầu là việc thực hiện khám giám định y khoa lần đầu cho đối tượng với cùng mục đích giám định, không phân biệt nội dung yêu cầu giám định.

- Giám định y khoa lại là việc thực hiện giám định y khoa từ lần thứ hai trở đi cho các đối tượng đã được giám định y khoa lần đầu với cùng mục đích giám định y khoa.

- Giám định y khoa phúc quyết là việc thực hiện giám định y khoa trong trường hợp sau:

+ Vượt khả năng chuyên môn của Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh, Hội đồng giám định y khoa Bộ Giao thông vận tải.

+ Đối tượng hoặc người đại diện hợp pháp của đối tượng không đồng ý với kết luận của Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh, Hội đồng giám định y khoa Bộ Giao thông vận tải.

+ Đối tượng thuộc Bộ Công an quản lý khi cơ quan quản lý đối tượng hoặc cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa Bộ Công an đề nghị.

-Giám định y khoa phúc quyết lần cuối là việc thực hiện giám định y khoa đối với đối tượng sau:

Khi đối tượng hoặc người đại diện hợp pháp của đối tượng không đồng ý với kết luận giám định y khoa của Hội đồng giám định y khoa cấp trung ương hoặc kết luận giám định y khoa của Hội đồng giám định y khoa phúc quyết thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Bước 2: Kiểm tra đối chiếu

Người thực hiện giám định y khoa có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu đối tượng giám định với một trong các giấy tờ sau đây:

+ Giấy chứng minh nhân dân.

+ Căn cước công dân.

+ Hộ chiếu.

+ Giấy khai sinh đối với đối tượng dưới 14 tuổi.

+ Giấy xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú hoặc tạm trú có dán ảnh chân dung của đối tượng chụp trên nền trắng cỡ ảnh 4x6cm, cách ngày lập hồ sơ không quá 06 tháng và đóng dấu giáp lai.

Bước 3: Khám tổng quát

Bác sĩ được Cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa giao thụ lý hồ sơ có trách nhiệm lập hồ sơ giám định, khám tổng quát.

Trình Lãnh đạo cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa duyệt chỉ định khám chuyên khoa (khám lâm sàng, cận lâm sàng) phù hợp với hồ sơ giám định do tổ chức hoặc cá nhân người khám giám định đề nghị.

Bước 4: Khám chuyên khoa

Giám định viên chuyên khoa thực hiện khám và kết luận về những nội dung theo chỉ định của cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa.

Trường hợp cần thiết phải hội chẩn chuyên khoa.

Bước 5: Hội chẩn chuyên môn

Lãnh đạo cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa chịu trách nhiệm tổ chức, chủ trì hội chẩn trước khi Hội đồng giám định y khoa họp.

Trường hợp cần thiết, Cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa mời đối tượng, Giám định viên và các thành viên có liên quan khác tham dự.

Bước 6: Họp Hội đồng giám định y khoa

Biên bản họp Hội đồng giám định y khoa thực hiện theo Phụ lục số 3 ban hành kèm theo Thông tư 01/2023/TT-BYT và được lưu cùng hồ sơ khám giám định y khoa.

Bước 7: Ban hành Biên bản giám định y khoa

Biên bản giám định y khoa do cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa thực hiện sau đây và được lưu cùng hồ sơ khám giám định y khoa:

- Đối với đối tượng là người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng:

Biên bản giám định y khoa thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục số 78 kèm theo Nghị định 131/2021/NĐ-CP.

- Đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định trên:

Biên bản giám định y khoa thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư 01/2023/TT-BYT.

Bước 8: Lưu trữ hồ sơ khám giám định y khoa

Hồ sơ khám giám định y khoa được quản lý, lưu trữ theo quy định tại Thông tư 53/2017/TT-BYT.

Đối với Hồ sơ khám Giám định y khoa, thời hạn bảo quản này là 70 năm.

Lê Vũ Trang Nhi

Chia sẻ bài viết lên facebook 21,750

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079