Bảo vệ khẩn cấp trẻ em là gì?

28/03/2023 11:56 AM

Vụ trẻ em 3 tuổi bị ép sử dụng ma túy được yêu cầu bảo vệ khẩn cấp. Vậy biện pháp bảo vệ khẩn cấp trẻ em này là gì? – Ngọc Ngân (TP.HCM)

Bảo vệ khẩn cấp trẻ em là gì?

Bảo vệ khẩn cấp trẻ em là gì? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT xin giải đáp như sau:

Bảo vệ khẩn cấp trẻ em là gì?

Dựa theo khoản 1 Điều 4 Luật Trẻ em 2016 quy định:

Bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Theo đó, trong một số trường hợp cần thiết, trẻ em sẽ được áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn và ngăn ngừa hành vi xâm hại trẻ em.

Bên cạnh đó, tại Nghị định 56/2017/NĐ-CP khoản 1 Điều 31 quy định về bảo vệ khẩn cấp cho trẻ em như sau:

Trẻ em cần được bảo vệ khẩn cấp là trẻ em đang bị đe dọa hoặc bị gây tổn hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm hoặc cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em chính là người gây tổn hại cho trẻ em.

Việc can thiệp trong trường hợp trẻ em cần được bảo vệ khẩn cấp phải được thực hiện trong thời gian nhanh nhất có thể và không quá 12 giờ từ khi nhận được thông tin.

Quy trình bảo vệ khẩn cấp trẻ em

Căn cứ vào Điều 25, 26 Nghị định 56/2017/NĐ-CP, trong trường hợp trẻ em cần được bảo vệ khẩn cấp được thực hiện theo các quy định sau:

Bước 1: Tiếp nhận và phối hợp xử lý thông tin

- Các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân nếu phát hiện hoặc có thông tin về hành vi xâm hại trẻ em hoặc trẻ em có nguy cơ bị xâm hại có trách nhiệm thông báo ngay cho một trong các nơi tiếp nhận thông tin, gồm:

+ Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em.

+ Cơ quan lao động - thương binh và xã hội các cấp.

+ Cơ quan công an các cấp.

+ Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ việc .

- Nơi tiếp nhận thông tin có trách nhiệm ghi chép đầy đủ thông tin về hành vi xâm hại trẻ em, trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 56/2017/NĐ-CP.

Bước 2: Đánh giá ban đầu mức độ tổn hại của trẻ em

- Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em hoặc cơ quan lao động - thương binh và xã hội các cấp hoặc cơ quan công an các cấp có trách nhiệm phối hợp xử lý thông tin, thông báo, tố giác về trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi.

Chuyển ngay thông tin đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ việc để thực hiện việc đánh giá nguy cơ ban đầu về mức độ tổn hại của trẻ em.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ việc chỉ đạo người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã tiến hành việc đánh giá nguy cơ ban đầu, mức độ tổn hại của trẻ em theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này để có cơ sở áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp can thiệp khẩn cấp.

Bước 3: Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn tạm thời cho trẻ em trong trường hợp đặc biệt

Trường hợp trẻ em được xác định có nguy cơ hoặc đang bị tổn hại nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm thì trong vòng 12 giờ từ khi nhận thông tin, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải áp dụng

+ Các biện pháp can thiệp khẩn cấp hoặc

+ Biện pháp tạm thời cách ly trẻ em khỏi môi trường hoặc người gây tổn hại cho trẻ em

Những biện pháp này được thể hiện trong quy định tại Điều 31 và Điều 32 của Nghị định 56/2017/NĐ-CP.

Lê Vũ Trang Nhi

Chia sẻ bài viết lên facebook 1,900

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079