Nghỉ ngang có được nhận tiền thai sản khi sinh con không?

18/05/2023 10:00 AM

Xin hỏi trường hợp lao động nữ nghỉ ngang thì có được nhận tiền thai sản khi sinh con không? – Mỹ Anh (TPHCM)

Điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con mới nhất

Căn cứ quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì lao động nữ sinh con sẽ được hưởng chế độ thai sản nếu đáp ứng đủ một trong hai điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội sau đây:

(1) Lao động nữ sinh con phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con; hoặc

(2) Lao động nữ sinh con đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Trường hợp lao động nữ sinh con đáp ứng điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội nêu trên mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Nghỉ ngang có được nhận tiền thai sản khi sinh con không?

Nghỉ ngang có được nhận tiền thai sản khi sinh con không? (Hình từ internet)

Nghỉ ngang có được nhận tiền thai sản khi sinh con không?

Hiện hành pháp luật không có quy định liên quan đến thuật ngữ "Nghỉ ngang", tuy nhiên có thể hiểu "Nghỉ ngang" là trường hợp người lao động vi phạm quy định về thời hạn báo trước khi nghỉ việc.

Theo đó, căn cứ quy định tại Bộ luật lao động 2019 thì người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động một khoảng thời gian nhất định, trừ các trường hợp không phải báo trước theo quy định.

Tùy từng trường hợp, loại hợp đồng lao động giao kết, ngành nghề công việc mà thời hạn báo trước có thể là 3 ngày hoặc tối đa lên đến 120 ngày.

Các trường hợp người lao động vi phạm quy định về thời hạn báo trước khi nghỉ việc thì được xem là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo Điều 39 Bộ luật Lao động 2019 (hay có thể gọi là nghỉ ngang).

Căn cứ quy định định của pháp luật nên trên thì có thể thấy người lao động dù đã nghỉ việc nhưng chỉ cần đáp ứng đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì sẽ được giải quyết hưởng chế độ thai sản khi sinh con, không phân biệt người lao động nghỉ việc đúng pháp luật hay trái pháp luật (nghỉ ngang).

Do đó, trường hợp người lao động nghỉ ngang vẫn được nhận tiền thai sản khi sinh con nếu đáp ứng điều kiện về thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nêu trên.

Mức hưởng chế độ thai sản khi sinh con mới nhất

Căn cứ Khoản 1 Điều 34 và Điểm a Khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.

Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 40 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì lao động nữ có thể đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Sau khi đã nghỉ hưởng chế độ ít nhất được 04 tháng;

- Phải báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý.

Ngoài tiền lương của những ngày làm việc, lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn nghỉ thai sản theo quy định.

Chia sẻ bài viết lên facebook 5,470

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079