Sự đắt đỏ của pháp luật

08/07/2013 14:49 PM

Theo ước tính của Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD), năm 1998 để thực hiện các quy định về môi trường, về điều kiện lao động và thuế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Australia đã phải chi phí hơn 17 tỉ USD (khoảng 2,9% GDP).

Pháp luật thì đắt đỏ. Theo ước tính của Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD), năm 1998 để thực hiện các quy định về môi trường, về điều kiện lao động và thuế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Australia đã phải chi phí hơn 17 tỉ USD (khoảng 2,9% GDP). Một con số đầy ấn tượng!

Đối với nước ta, chi phí để thực hiện các quy định của pháp luật là bao nhiêu? Không có các phương pháp tính toán khoa học thật khó lòng xác định được một cách chính xác con số này.

Giả sử mức chi phí này cũng là 2,9% GDP thì nó sẽ vào khoảng 1,16 tỉ USD, một con số cũng ấn tượng không kém! Chi phí của toàn bộ xã hội ở Australia để thi hành pháp luật trong mọi lĩnh vực của đời sống chắc chắn là lớn hơn 2,9% GDP, và ở ta, có lẽ, cũng sẽ như vậy. Tuy nhiên, trên đây mới chỉ là những con số ước đoán.

Trong một số trường hợp cụ thể, chi phí thi hành pháp luật có thể xác định được một cách chính xác hơn.

Ví dụ, để thực hiện quy định của Luật Giáo dục (chưa được sửa đổi) về việc đánh giá chất lượng học sinh, mấy năm trước đây, thành phố Hà Nội đã phải chi khoảng 4 tỉ đồng để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp tiểu học. Kết quả là đã xác định được 4 em không đủ “trình độ” để tốt nghiệp. Tỉ lệ chi phí bỏ ra để sàng lọc là khoảng 1 tỉ đồng/em. Đây là một chi phí rất cao, nhưng không phải hoàn toàn rất có ích. Trước sau gì chúng ta cũng sẽ phải tạo điều kiện cho 4 em trượt thi tốt nghiệp đó có điều kiện tiếp tục học tập. Vì phổ cập trung học cơ sở là bắt buộc.

Chi phí để thực hiện điều luật về việc đội mũ bảo hiểm xe máy bắt buộc cũng rất cao. Với số lượng xe máy lên đến hàng chục triệu chiếc, thì số tiền người dân phải bỏ ra để mua mũ bảo hiểm không thôi đã lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Và cũng giống như việc tổ chức thi tốt nghiệp tiểu học, hiệu quả xã hội mà chúng ta có được ở đây không phải là cao.

Theo các số liệu công bố, tỉ lệ thương vong vì tai nạn giao thông giảm không đáng kể hoặc có năm giảm, năm tăng. Đó là chưa nói tới tình trạng mũ bảo hiểm giả, mũ bảo hiểm kém chất lượng được bày bán tràn lan. Nếu Nhà nước không bỏ thêm ra những chi phí khổng lồ khác để chống hàng giả, hàng kém chất lượng thì ở đây, luật áp đặt việc đội mũ bảo hiểm sẽ có rất ít ý nghĩa.

Các chi phí để thực hiện các quy định của pháp luật là rất to lớn. Chi phí để áp đặt sự tuân thủ (chi phí của Nhà nước) là rất to lớn. Chi phí để tuân thủ (chi phí của người dân) cũng to lớn không kém. Và khi pháp luật được ban hành ngày càng nhiều hơn thì các chi phí này cũng sẽ phát sinh ngày càng nhiều hơn. Vấn đề đặt ra là: Chúng ta phải xác định được đâu là giới hạn mà xã hội và nền kinh tế có thể chấp nhận? Câu hỏi này có lẽ cần phải được trả lời trước khi pháp luật được ban hành.

Cách làm phù hợp nhất là áp dụng phương pháp phân tích chi phí và hiệu quả để xem xét các dự án văn bản pháp luật. Ngoài ra, cũng cần cải cách quy trình lập pháp sao cho các quy định của pháp luật có thể thực hiện được với giá rẻ nhất.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

Theo Báo Lao động

Chia sẻ bài viết lên facebook 4,158

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079