Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng

02/10/2023 17:30 PM

Xin cho tôi hỏi tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng bị xử lý thế nào? - Hoàng Long (TPHCM)

Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng

Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng

Cụ thể tại Điều 132 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng như sau:

* Khung 1:

Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

* Khung 2:

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

- Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;

- Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

* Khung 3:

Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

* Hình phạt bổ sung:

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

2. Thời hiệu truy cứu TNHS với tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng

Căn cứ theo Điều 27 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự với tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng như sau:

- Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật Hình sự 2015 quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:

+ 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;

+ 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;

+ 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;

+ 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

- Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 27 Bộ luật Hình sự 2015, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật Hình sự 2015 quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.

Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 27 Bộ luật Hình sự 2015, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

Như vậy, nếu phạm tội ở khung 1 thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 05 năm kể từ khi tội phạm được thực hiện; phạm tội ở khung 2, 3 thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 10 năm kể từ khi tội phạm được thực hiện. Nếu có hành vi phạm tội mới, trốn tránh thì thời hiệu sẽ được tính lại theo quy định.

3. Nguyên tắc xử lý người phạm tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng

Theo khoản 1 Điều 3 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định về nguyên tắc xử lý người phạm tội như sau:

- Mọi hành vi phạm tội do người thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật;

- Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội;

- Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;

- Nghiêm trị người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra;

- Đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng, thì có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù, giao họ cho cơ quan, tổ chức hoặc gia đình giám sát, giáo dục;

- Đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải chấp hành hình phạt tại các cơ sở giam giữ, phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội; nếu họ có đủ điều kiện do Bộ luật Hình sự 2015 quy định, thì có thể được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện;

- Người đã chấp hành xong hình phạt được tạo điều kiện làm ăn, sinh sống lương thiện, hòa nhập với cộng đồng, khi có đủ điều kiện do luật định thì được xóa án tích.

Hồ Quốc Tuấn

Chia sẻ bài viết lên facebook 19,724

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079