Thế nào là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự?

05/10/2023 16:15 PM

Cho tôi hỏi thế nào là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự? Hậu quả của việc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự như thế nào? - Trọng Tấn (Đồng Tháp)

Thế nào là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự?

Thế nào là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thế nào là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự?

Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự là việc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định và đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án.

(Theo điểm o khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)

2. Hậu quả của việc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự

Theo khoản 1 Điều 245, khoản 1 và khoản 2 Điều 358 và Điều 371 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì việc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự có thể gây ra các hậu quả như sau:

* Trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung

Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ vụ án, yêu cầu Cơ quan điều tra điều tra bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp:

- Còn thiếu chứng cứ để chứng minh một trong những vấn đề quy định tại Điều 85 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 mà Viện kiểm sát không thể tự mình bổ sung được;

- Có căn cứ khởi tố bị can về một hay nhiều tội phạm khác;

- Có người đồng phạm hoặc người phạm tội khác liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố bị can;

- Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

* Hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại

Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại trong các trường hợp:

- Có căn cứ cho rằng cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm, người phạm tội hoặc để khởi tố, điều tra về tội nặng hơn tội đã tuyên trong bản án sơ thẩm;

- Việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được;

- Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố.

* Hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại

Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại ở cấp sơ thẩm với thành phần Hội đồng xét xử mới trong các trường hợp:

- Hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng thành phần mà Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định;

- Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn xét xử sơ thẩm;

- Người được Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không có tội nhưng có căn cứ cho rằng người đó đã phạm tội;

- Miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc áp dụng biện pháp tư pháp đối với bị cáo không có căn cứ;

- Bản án sơ thẩm có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật nhưng không thuộc trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án theo quy định tại Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015:

+ Khi có căn cứ xác định bản án sơ thẩm đã tuyên không đúng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo hoặc có tình tiết mới thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm như sau:

++ Miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho bị cáo; không áp dụng hình phạt bổ sung; không áp dụng biện pháp tư pháp;

++ Áp dụng điều, khoản của Bộ luật Hình sự về tội nhẹ hơn;

++ Giảm hình phạt cho bị cáo;

++ Giảm mức bồi thường thiệt hại và sửa quyết định xử lý vật chứng;

++ Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn;

++ Giữ nguyên hoặc giảm mức hình phạt tù và cho hưởng án treo.

+ Trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị hoặc bị hại kháng cáo yêu cầu thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể:

++ Tăng hình phạt, áp dụng điều, khoản của Bộ luật Hình sự về tội nặng hơn; áp dụng hình phạt bổ sung; áp dụng biện pháp tư pháp;

++ Tăng mức bồi thường thiệt hại;

++ Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nặng hơn;

++ Không cho bị cáo hưởng án treo.

Nếu có căn cứ thì Hội đồng xét xử vẫn có thể giảm hình phạt, áp dụng điều, khoản của Bộ luật Hình sự về tội nhẹ hơn, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn, giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo, giảm mức bồi thường thiệt hại.

+ Trường hợp có căn cứ, Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể sửa bản án sơ thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 cho những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị.

* Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm:

Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong các căn cứ:

- Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;

- Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án;

- Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.
 

Chia sẻ bài viết lên facebook 15,832

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079