Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn chai LPG composite (QCVN 16:2022/BCT)

07/10/2023 08:14 AM

Xin hỏi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn chai LPG composite mới nhất được ban hành khi nào? - Tuấn Ngọc (TPHCM)

Ngày 31/10/2023, Bộ Công thương ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn chai LPG composite (Ký hiệu: QCVN 16:2022/BCT) kèm theo Thông tư 27/2022/TT-BCT (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2023) với các nội dung đáng chú ý như sau:

Phạm vi điều chỉnh của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn chai LPG composite

Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn chai LPG composite quy định các yêu cầu kỹ thuật an toàn trong thiết kế, chế tạo, nhập khẩu, sửa chữa, kiểm định, thử nghiệm, tồn chứa, giao nhận, vận chuyển, lắp đặt và sử dụng chai LPG composite dung tích chứa từ 0,5 L đến 150 L, có mã HS 3923.30.20, 3923.30.90 hoặc 3923.90.90.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn chai LPG composite

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn chai LPG composite (Hình từ internet)

Đối tượng áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn chai LPG composite

Quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến thiết kế, chế tạo, nhập khẩu, sửa chữa, kiểm định, thử nghiệm, tồn chứa, giao nhận, vận chuyển, lắp đặt, sử dụng chai LPG composite quy định nêu trên.

Quy định về kiểm định chai LPG composite

(1) Hình thức kiểm định

- Kiểm định lần đầu trước khi đưa vào sử dụng.

- Kiểm định định kỳ khi hết thời hạn của lần kiểm định trước.

- Kiểm định bất thường khi thấy cần thiết hoặc cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

(2) Thời hạn kiểm định

Thời hạn kiểm định định kỳ chai theo quy định của nhà sản xuất, nhưng chu kỳ không quá 05 năm so với lần kiểm định gần nhất.

Đối với chai đã sử dụng từ 17 năm đến 19 năm (tính từ thời gian kiểm định lần đầu), thời hạn kiểm định lần tiếp theo không quá năm sử dụng thứ 22.

Đối với chai đã sử dụng từ 20 năm, thời hạn kiểm định định kỳ không quá 02 năm.

(3) Thủ tục kiểm định

(3.1) Kiểm tra hồ sơ

- Kiểm tra hồ sơ loạt chai kiểm định lần đầu, cụ thể:

+ Giấy chứng nhận của nhà sản xuất.

+ Hồ sơ vật liệu.

+ Các biên bản kiểm tra thử nghiệm kèm theo.

+ Giấy chứng nhận hợp quy do tổ chức chứng nhận được chỉ định cấp (không yêu cầu đối với các chai được chế tạo trước ngày có hiệu lực của Quy chuẩn này).

+ Tính toán sức bền các bộ phận chịu áp lực.

+ Bản vẽ cấu tạo ghi đầy đủ kích thước chính.

+ Tên và địa chỉ khách hàng sở hữu lô chai.

- Đối với chai kiểm định định kỳ, bất thường: Xem xét danh sách chai kiểm định, phiếu kết quả kiểm định lần trước, lý do kiểm định bất thường.

(3.2) Kiểm tra và xử lý sơ bộ

- Kiểm tra thông số kỹ thuật ghi trên tay sách hay cổ chai, đối chiếu số liệu kỹ thuật trong danh sách những chai cần kiểm định. Loại bỏ các chai không thuộc danh sách kiểm định và những chai mất hoặc mờ các thông số.

- Kiểm tra bằng mắt tình trạng bên ngoài của từng chai để loại bỏ các chai có hiện tượng bất thường tại các bộ phận chịu áp lực như: xước theo rãnh sâu, móp, bong, rộp, vết cháy, v.v... theo quy định.

- Tiến hành xử lý khí dư trong chai bằng cách xả, hút khí bằng thiết bị chuyên dụng, áp suất trong chai không lớn hơn - 0,2 bar. Sau đó khí có thể được thu hồi sử dụng hoặc có các biện pháp xử lý an toàn, không được xả trực tiếp ra môi trường.

- Sau khi đã xử lý hết khí dư trong chai, tháo van đầu chai bằng dụng cụ và thiết bị chuyên dụng.

Lưu ý: Phải sử dụng dụng cụ giữ miếng đệm cổ chai (boss) nhằm tránh xoay gây hỏng khi tháo van đầu chai.

- Làm sạch bên trong chai, bên ngoài chai.

(3.3) Tiến hành kiểm định

* Kiểm tra van đầu chai:

- Kiểm tra khả năng mở của bộ phận an toàn của van đầu chai tại áp suất được ghi trên van (25 bar).

- Kiểm tra độ kín của van đầu chai tại áp suất thử 6 bar bằng môi chất khí.

- Loại bỏ van bị kẹt, hỏng bộ phận an toàn, có dấu hiệu bị nứt, ren bị hỏng hoặc các van không đạt khi thử kín.

* Kiểm tra bên ngoài, bên trong

Kiểm tra bên ngoài, bên trong theo trình tự các bước sau:

- Kiểm tra tình trạng bề mặt lớp vỏ composite của chai, cổ ren, vỏ nhựa.

- Kiểm tra bên trong chai bằng thiết bị soi chuyên dụng để đánh giá tình trạng bề mặt bên trong chai.

- Loại bỏ các chai không đạt yêu cầu khi thấy các vết cắt, lỗ thủng, trầy xước, chỗ phình, vết nứt, tách lớp, vết cháy, vết hư hỏng do hóa chất.

Tiêu chí chấp thuận hay loại bỏ chai tại Phụ lục A của Quy chuẩn này.

* Kiểm tra khả năng chịu áp lực (thử thủy lực)

- Thử thủy lực:

+ Nạp đầy môi chất thử (nước) vào chai chứa.

+ Nâng dần áp suất thử đến áp suất thử. Mức áp suất này được giữ ít nhất trong 30 giây và xác định rằng không có hiện tượng rò rỉ, hay bị các khuyết tật thuộc diện bị loại bỏ. Nếu thấy hiện tượng rò rỉ trong đường ống dẫn hay vị trí nối, chai có thể kiểm tra lại sau khi khắc phục sự cố rò rỉ.

+ Loại bỏ những chai có hiện tượng rò rỉ, biến dạng khi áp suất trong chai được giữ ở áp suất thử.

- Tháo và làm sạch môi chất thử và làm khô bên trong chai.

- Lắp van đã qua kiểm tra vào những chai có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu. Lực vặn van trong khoảng từ 80 Nm đến 100 Nm.

Phải sử dụng dụng cụ giữ miếng đệm cổ chai (boss) nhằm tránh xoay gây hỏng khi vặn van đầu chai.

* Kiểm tra độ kín (thử kín)

- Nạp khí nén hoặc khí trơ vào chai đến áp suất 6 bar (Áp suất tối thiểu theo yêu cầu của tiêu chuẩn EN14767:2005).

- Kiểm tra độ kín của các đầu nối, mối ghép van của chai bằng cách nhúng toàn bộ chai vào trong bể chứa nước. Các chai có rò rỉ phải đưa ra xử lý và thử lại.

* Hút chân không

Chai thử đạt yêu cầu, tiến hành xả hết khí, làm khô bên ngoài chai; hút chân không đến áp suất -0,2 bar.

* Kiểm tra khối lượng chai

Trường hợp khối lượng cân thực tế sai khác với khối lượng đã được in lên vỏ chai thì giá trị khối lượng đã được in lên chai sẽ phải xóa bỏ và in giá trị khối lượng thực tế lên chai bằng thiết bị in chuyên dụng.

(4) Xử lý kết quả kiểm định

(4.1) Các chai đạt yêu cầu không có các biểu hiện làm giảm khả năng làm việc và trong quá trình thử không phát sinh các hiện tượng bất thường.

(4.2) Ký hiệu kiểm định:

- Các chai đạt yêu cầu kiểm định được dán ký hiệu kiểm định.

Trường hợp kiểm định lần đầu cho loạt chai, nếu loạt chai đạt yêu cầu kiểm định, phải dán ký hiệu kiểm định cho 100% số chai của loạt.

- Ký hiệu kiểm định gồm cơ quan kiểm định, thời gian kiểm định và thời gian tái kiểm định: [1] - [2] - [3] - [4] trên cùng một hàng, trường hợp chiều dài đóng bị hạn chế thì có thể tách [1] riêng một hàng.

[1]: Lô gô hoặc ký hiệu đơn vị kiểm định.

[2]: Tháng, năm kiểm định (hai số cuối).

[3]: Năm kiểm định tiếp theo (hai số cuối).

[4]: Khối lượng chai (nếu khối lượng thay đổi quá 0,2 kg).

Chiều cao chữ, số tối thiểu 4 mm. Thời hạn tái kiểm định phải đúng theo quy định điểm (2).

(4.2) Lập biên bản kiểm định: Ghi đầy đủ kết quả kiểm định, các nhận xét và các yêu cầu đề ra đối với cơ sở sử dụng.

(4.4) Cấp phiếu kết quả kiểm định, biên bản kiểm định cho cơ sở sử dụng.

Lưu ý: Các bước kiểm tra tiếp theo chỉ được tiến hành khi kết quả kiểm tra ở bước trước đó đã đạt yêu cầu.

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,137

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079