Người lao động tham gia đình công thì có được trả lương không?

13/10/2023 09:30 AM

Cho tôi hỏi theo quy định thì người lao động tham gia đình công thì có được trả lương không? - Tiến Thành (Long An)

Người lao động tham gia đình công thì có được trả lương không?

Người lao động tham gia đình công thì có được trả lương không? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Đình công là gì?

Theo Điều 198 Bộ luật Lao động 2019 thì đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của người lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động và do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo.

2. Người lao động tham gia đình công thì có được trả lương không?

Theo Điều 207 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tiền lương và các quyền lợi hợp pháp khác của người lao động trong thời gian đình công như sau:

- Người lao động không tham gia đình công nhưng phải ngừng việc vì lý do đình công thì được trả lương ngừng việc theo quy định tại khoản 2 Điều 99 Bộ luật Lao động 2019 và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật về lao động.

- Người lao động tham gia đình công không được trả lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Như vậy, theo quy định trên thì người lao động tham gia đình công không được trả lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

3. Các hành vi bị nghiêm cấm trước, trong và sau khi đình công

Các hành vi bị nghiêm cấm trước, trong và sau khi đình công theo Điều 208 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

- Cản trở việc thực hiện quyền đình công hoặc kích động, lôi kéo, ép buộc người lao động đình công; cản trở người lao động không tham gia đình công đi làm việc.

- Dùng bạo lực; hủy hoại máy, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động.

- Xâm phạm trật tự, an toàn công cộng.

- Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động, người lãnh đạo đình công hoặc điều động người lao động, người lãnh đạo đình công sang làm công việc khác, đi làm việc ở nơi khác vì lý do chuẩn bị đình công hoặc tham gia đình công.

- Trù dập, trả thù người lao động tham gia đình công, người lãnh đạo đình công.

- Lợi dụng đình công để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

4. Quyền của các bên trước và trong quá trình đình công

Quyền của các bên trước và trong quá trình đình công theo Điều 203 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

- Tiếp tục thỏa thuận để giải quyết nội dung tranh chấp lao động tập thể hoặc cùng đề nghị hòa giải viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động tiến hành hòa giải, giải quyết tranh chấp lao động.

- Tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định tại Điều 198 Bộ luật Lao động 2019 có quyền sau đây:

+ Rút quyết định đình công nếu chưa đình công hoặc chấm dứt đình công nếu đang đình công;

+ Yêu cầu Tòa án tuyên bố cuộc đình công là hợp pháp.

- Người sử dụng lao động có quyền sau đây:

+ Chấp nhận toàn bộ hoặc một phần yêu cầu và thông báo bằng văn bản cho tổ chức đại diện người lao động đang tổ chức và lãnh đạo đình công;

+ Đóng cửa tạm thời nơi làm việc trong thời gian đình công do không đủ điều kiện để duy trì hoạt động bình thường hoặc để bảo vệ tài sản;

+ Yêu cầu Tòa án tuyên bố cuộc đình công là bất hợp pháp.

5. Quy định về xử lý cuộc đình công không đúng trình tự, thủ tục

Quy định về xử lý cuộc đình công không đúng trình tự, thủ tục theo Điều 211 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được thông báo về cuộc đình công không tuân theo quy định tại các Điều 200, 201 và 202 Bộ luật Lao động 2019, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì, chỉ đạo cơ quan chuyên môn về lao động phối hợp với công đoàn cùng cấp, cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp gặp gỡ người sử dụng lao động và đại diện ban lãnh đạo tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để nghe ý kiến, hỗ trợ các bên tìm biện pháp giải quyết, đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường.

Trường hợp phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật thì lập biên bản, tiến hành xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý cá nhân, tổ chức đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật.

Đối với các nội dung tranh chấp lao động thì tùy từng loại tranh chấp, hướng dẫn, hỗ trợ các bên tiến hành các thủ tục giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của Bộ luật Lao động 2019.

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,496

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079