Các trường hợp bên thuê lại lao động không được sử dụng lao động thuê lại

11/10/2023 14:02 PM

Xin hỏi theo quy định thì bên thuê lại lao động không được sử dụng lao động thuê lại trong các trường hợp nào? - Bảo Châu (Thanh Hóa)

Cho thuê lại lao động là gì?

Căn cứ quy định tại Bộ luật Lao động 2019 thì có thể hiểu cho thuê lại lao động là việc người lao động giao kết hợp đồng lao động với một người sử dụng lao động là doanh nghiệp cho thuê lại lao động, sau đó người lao động được chuyển sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với người sử dụng lao động đã giao kết hợp đồng lao động.

Hoạt động cho thuê lại lao động là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, chỉ được thực hiện bởi các doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động và áp dụng đối với một số công việc nhất định.

Các trường hợp bên thuê lại lao động không được sử dụng lao động thuê lại

Các trường hợp bên thuê lại lao động không được sử dụng lao động thuê lại (Hình từ internet)

Các trường hợp bên thuê lại lao động được sử dụng lao động thuê lại

Căn cứ Khoản 2 Điều 53 Bộ luật Lao động 2019 thì bên thuê lại lao động được sử dụng lao động thuê lại trong trường hợp sau đây:

- Đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhu cầu sử dụng lao động trong khoảng thời gian nhất định;

- Thay thế người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ công dân;

- Có nhu cầu sử dụng lao động trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.

Các trường hợp bên thuê lại lao động không được sử dụng lao động thuê lại

Căn cứ Khoản 3 Điều 53 Bộ luật Lao động 2019 thì bên thuê lại lao động không được sử dụng lao động thuê lại trong trường hợp sau đây:

- Để thay thế người lao động đang trong thời gian thực hiện quyền đình công, giải quyết tranh chấp lao động;

- Không có thỏa thuận cụ thể về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động thuê lại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động;

- Thay thế người lao động bị cho thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ, vì lý do kinh tế hoặc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập.

Quyền và nghĩa vụ của bên thuê lại lao động

Quyền và nghĩa vụ của bên thuê lại lao động được quy định cụ thể tại Điều 57 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

- Thông báo, hướng dẫn cho người lao động thuê lại biết nội quy lao động và các quy chế khác của mình.

- Không được phân biệt đối xử về điều kiện lao động đối với người lao động thuê lại so với người lao động của mình.

- Thỏa thuận với người lao động thuê lại về làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ theo quy định của Bộ luật Lao động 2019.

- Thỏa thuận với người lao động thuê lại và doanh nghiệp cho thuê lại lao động để tuyển dụng chính thức người lao động thuê lại làm việc cho mình trong trường hợp hợp đồng lao động của người lao động thuê lại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động chưa chấm dứt.

- Trả lại người lao động thuê lại không đáp ứng yêu cầu như đã thỏa thuận hoặc vi phạm kỷ luật lao động cho doanh nghiệp cho thuê lại lao động.

- Cung cấp cho doanh nghiệp cho thuê lại lao động chứng cứ về hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động thuê lại để xem xét xử lý kỷ luật lao động.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 4 Điều 53 Bộ luật Lao động 2019 thì bên thuê lại lao động không được chuyển người lao động thuê lại cho người sử dụng lao động khác; không được sử dụng người lao động thuê lại được cung cấp bởi doanh nghiệp không có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động.

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,062

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079