Quy định về bảo lĩnh trong tố tụng hình sự

21/10/2023 17:00 PM

Xin hỏi theo quy định pháp luật về tố tụng hình sự thì bảo lĩnh là gì và được quy định thực hiện ra sao? - Văn Tuấn (Bình Dương)

Bảo lĩnh là gì?

Căn cứ quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh.

Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền ra quyết định bảo lĩnh. Quyết định của những người quy định tại điểm a khoản 1 Điều 113 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

Thời hạn bảo lĩnh không được quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Thời hạn bảo lĩnh đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận bảo lĩnh để bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị phạt tiền theo quy định của pháp luật.

Quy định về bảo lĩnh trong tố tụng hình sự

Quy định về bảo lĩnh trong tố tụng hình sự (Hình từ internet)

Ai có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo?

Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 121 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì cơ quan, tổ chức có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người của cơ quan, tổ chức mình. Cơ quan, tổ chức nhận bảo lĩnh phải có giấy cam đoan và có xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức.

Cá nhân là người đủ 18 tuổi trở lên, nhân thân tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, thu nhập ổn định và có điều kiện quản lý người được bảo lĩnh thì có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người thân thích của họ và trong trường hợp này thì ít nhất phải có 02 người. Cá nhân nhận bảo lĩnh phải làm giấy cam đoan có xác nhận của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập.

Trong giấy cam đoan, cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận bảo lĩnh phải cam đoan không để bị can, bị cáo vi phạm các nghĩa vụ quy định sau đây. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận bảo lĩnh được thông báo về những tình tiết của vụ án liên quan đến việc nhận bảo lĩnh.

Bị can, bị cáo được bảo lĩnh phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ gì?

Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 121 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì bị can, bị cáo được bảo lĩnh phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ:

- Có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan;

- Không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội;

- Không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; không tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.

Trường hợp bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan quy định tại khoản này thì bị tạm giam.

Quy định áp dụng biện pháp bảo lĩnh

Căn cứ Điều 21 Thông tư liên tịch 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP thì trường hợp Cơ quan điều tra quyết định cho bị can được bảo lĩnh thì ngay sau khi ra quyết định áp dụng biện pháp bảo lĩnh, Cơ quan điều tra có văn bản nêu rõ lý do, kèm theo chứng cứ, tài liệu gửi Viện kiểm sát cùng cấp đề nghị xét phê chuẩn.

Hồ sơ đề nghị xét phê chuẩn quyết định về việc bảo lĩnh gồm:

- Văn bản đề nghị xét phê chuẩn và quyết định áp dụng biện pháp bảo lĩnh;

- Giấy cam đoan có xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức nhận bảo lĩnh đối với trường hợp cơ quan, tổ chức nhận bảo lĩnh cho bị can;

- Giấy cam đoan có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người nhận bảo lĩnh cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người nhận bảo lĩnh làm việc, học tập đối với trường hợp cá nhân nhận bảo lĩnh cho bị can (phải có giấy cam đoan của ít nhất 02 người bảo lĩnh);

- Giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ của bị can được bảo lĩnh theo các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 121 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015;

- Chứng cứ, tài liệu về hành vi phạm tội, nhân thân của bị can để xác định tính chất, mức độ hành vi của bị can không cần thiết phải áp dụng biện pháp tạm giam.

Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cùng cấp phải ra quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn hoặc có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra bổ sung chứng cứ, tài liệu để xét phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp bảo lĩnh.

Khi có căn cứ xác định bị can vi phạm nghĩa vụ cam đoan quy định tại khoản 3 Điều 121 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, thì Cơ quan điều tra có văn bản nêu rõ lý do, kèm theo các tài liệu xác định vi phạm của bị can và đề nghị Viện kiểm sát hủy bỏ biện pháp bảo lĩnh. Cơ quan điều tra phải ra lệnh bắt bị can để tạm giam và có văn bản đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn; thời hạn tạm giam trong trường hợp này không được quá thời hạn điều tra vụ án.

Trường hợp Viện kiểm sát có căn cứ xác định bị can vi phạm nghĩa vụ cam đoan thì có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra thực hiện các thủ tục hủy bỏ biện pháp bảo lĩnh và áp dụng biện pháp tạm giam theo quy định nêu trên.

Trường hợp đã kết thúc điều tra chuyển sang giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát thấy cần thiết tiếp tục áp dụng biện pháp bảo lĩnh đối với bị can thì Viện kiểm sát ra quyết định áp dụng biện pháp bảo lĩnh. Thời hạn bảo lĩnh không quá thời hạn quyết định việc truy tố, tính từ ngày kế tiếp của ngày cuối cùng ghi trong quyết định áp dụng biện pháp bảo lĩnh của Cơ quan điều tra.

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 30,374

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079