Thế nào là người có uy tín tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án?

20/10/2023 17:16 PM

Xin cho tôi hỏi thế nào là người có uy tín tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án? - Minh Huy (Bình Phước)

Thế nào là người có uy tín tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án?

Thế nào là người có uy tín tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thế nào là người có uy tín tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án?

Cụ thể tại tiểu mục 6 Mục V Công văn 196/TANDTC-PC năm 2023 hướng dẫn người có uy tín là người có mối liên hệ chặt chẽ và có ảnh hưởng tích cực đến một hoặc các bên tham gia hòa giải, đối thoại, được bên tham gia hòa giải, đối thoại đó tôn trọng, tín nhiệm và tin tưởng.

Người có uy tín được mời tham gia hòa giải, đối thoại có thể là người thân thích của người tham gia hòa giải, đối thoại, già làng, trưởng thôn, trưởng dòng họ, người có chức sắc tôn giáo. Người có uy tín không nghiên cứu hồ sơ vụ việc trước khi tham gia hòa giải, đối thoại.

2. Thành phần phiên hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Căn cứ theo Điều 25 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 quy định thành phần phiên hòa giải, đối thoại tại Tòa án như sau:

- Thành phần phiên hòa giải, đối thoại gồm có:

+ Hòa giải viên;

+ Các bên, người đại diện, người phiên dịch;

+ Người được mời tham gia hòa giải, đối thoại trong trường hợp cần thiết.

- Các bên có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia hòa giải, đối thoại; đồng thời phải thông báo bằng văn bản về họ, tên, địa chỉ của người đại diện cho bên kia và Hòa giải viên biết. Đối với hòa giải việc ly hôn, các bên trong quan hệ vợ, chồng phải trực tiếp tham gia hòa giải.

Quyền và nghĩa vụ của người đại diện của các bên được xác định theo quy định của Bộ luật Dân sự.

- Người bị kiện trong khiếu kiện hành chính có thể ủy quyền cho người đại diện tham gia đối thoại. Người đại diện theo ủy quyền phải có đầy đủ thẩm quyền để giải quyết khiếu kiện.

3. Trình tự phiên hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Theo Điều 26 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 quy định trình tự phiên hòa giải, đối thoại tại Tòa án như sau:

- Hòa giải viên giới thiệu thành phần tham gia phiên hòa giải, đối thoại; trình bày nội dung cần hòa giải, đối thoại; diễn biến quá trình chuẩn bị hòa giải, đối thoại; phổ biến quy định của pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính, phân tích hậu quả pháp lý của việc hòa giải thành, đối thoại thành.

- Người khởi kiện, người yêu cầu hoặc người đại diện của họ trình bày nội dung yêu cầu, khởi kiện; đề xuất quan điểm về những vấn đề cần hòa giải, đối thoại và hướng giải quyết tranh chấp, khiếu kiện.

- Người bị kiện hoặc người đại diện của họ trình bày ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện, người yêu cầu; đề xuất quan điểm về những vấn đề cần hòa giải, đối thoại; hướng giải quyết tranh chấp, khiếu kiện.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc người đại diện của họ trình bày ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện; đề xuất quan điểm về những vấn đề cần hòa giải, đối thoại; hướng giải quyết tranh chấp, khiếu kiện.

- Người được mòi tham gia hòa giải, đối thoại phát biểu ý kiến.

- Hòa giải viên thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 23 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 để hỗ trợ các bên trao đổi ý kiến, trình bày bổ sung về những nội dung chưa rõ và đi đến thỏa thuận, thống nhất việc giải quyết tranh chấp, khiếu kiện.

- Hòa giải viên tóm tắt những vấn đề các bên đã thỏa thuận, thống nhất hoặc chưa thỏa thuận, thống nhất.

Hồ Quốc Tuấn

Chia sẻ bài viết lên facebook 825

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079