Những văn bản nào được đăng trên Công báo? (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Cụ thể tại Điều 85 Nghị định 34/2016/NĐ-CP quy định văn bản đăng trên Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm:
- Văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành.
- Điều ước quốc tế đã có hiệu lực đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh.
- Văn bản bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật.
- Quyết định đình chỉ việc thi hành, quyết định xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật.
- Văn bản đính chính văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành.
- Danh mục văn bản, quy định hết hiệu lực thi hành do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở trung ương lập, gửi đăng Công báo.
- Văn bản pháp luật khác do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành.
Việc đăng văn bản này do cơ quan ban hành quyết định.
Căn cứ theo Điều 86 Nghị định 34/2016/NĐ-CP quy định văn bản đăng trên Công báo cấp tỉnh gồm:
- Văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ban hành.
- Văn bản do cơ quan, người có thẩm quyền ở cấp tỉnh xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật.
- Văn bản đính chính văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ban hành.
- Danh mục văn bản, quy định hết hiệu lực thi hành do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở cấp tỉnh lập, gửi đăng Công báo.
- Văn bản pháp luật khác do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.
Việc đăng văn bản này do cơ quan ban hành quyết định.
Theo Điều 87 Nghị định 34/2016/NĐ-CP quy định về giá trị pháp lý của văn bản đăng trên Công báo như sau:
Văn bản đăng trên Công báo là văn bản chính thức và có giá trị như bản gốc. Trường hợp có sự khác nhau giữa Công báo in và Công báo điện tử thì sử dụng Công báo in làm căn cứ chính thức.
Căn cứ Điều 94 Nghị định 34/2016/NĐ-CP quy định về đính chính văn bản đăng Công báo như sau:
- Văn bản sau khi đăng Công báo, nếu phát hiện có sai sót về thể thức, kỹ thuật trình bày thì phải được đính chính.
- Trách nhiệm đính chính:
+ Cơ quan ban hành có văn bản đính chính đối với những sai sót do lỗi trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản;
+ Văn phòng Chính phủ có văn bản đính chính đối với những sai sót do lỗi trong quá trình xuất bản Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có văn bản đính chính đối với những sai sót do lỗi trong quá trình xuất bản Công báo cấp tỉnh trên cơ sở đối chiếu với bản gửi đăng Công báo.
- Văn bản đính chính phải được đăng trên số Công báo gần nhất.