Cơ quan nào có trách nhiệm thẩm định dự thảo quyết định của Thủ tướng? (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo đó, Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.
Đối với dự thảo quyết định có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực hoặc do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp thành lập hội đồng thẩm định, bao gồm đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học.
Cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan trong việc thẩm định dự thảo quyết định của Thủ tướng như sau:
(1) Trách nhiệm của Bộ Tư pháp
- Tổ chức thẩm định dự án, dự thảo đúng thời hạn, bảo đảm chất lượng.
- Tổ chức nghiên cứu các nội dung liên quan.
- Tổ chức họp tư vấn thẩm định, thành lập Hội đồng thẩm định.
- Đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cử đại diện phối hợp thẩm định.
- Bảo đảm sự tham gia của các cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học.
(2) Trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo
- Gửi hồ sơ dự án, dự thảo đến Bộ Tư pháp theo quy định.
- Cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan theo đề nghị của Bộ Tư pháp.
- Cử đại diện tham gia Hội đồng thẩm định theo đề nghị của Bộ Tư pháp.
- Phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự án, dự thảo trên cơ sở ý kiến thẩm định để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
(Khoản 1 Điều 98 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 và Điều 40, 41 Nghị định 34/2016/NĐ-CP)
Hồ sơ gửi thẩm định dự thảo quyết định của Thủ tướng bao gồm:
(i) Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về dự thảo quyết định;
(ii) Dự thảo quyết định;
(iii) Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; bản chụp ý kiến của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
(iv) Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự thảo quyết định; bản đánh giá thủ tục hành chính, nếu trong dự thảo có quy định thủ tục hành chính; báo cáo về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, nếu trong dự thảo có quy định liên quan đến vấn đề bình đẳng giới;
(v) Tài liệu khác (nếu có).
Tài liệu quy định tại (i) và (ii) được gửi bằng bản giấy, tài liệu còn lại được gửi bằng bản điện tử.
(Khoản 2 Điều 98 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, sửa đổi tại 2020)
Theo khoản 3 Điều 98 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, các nội dung thẩm định dự thảo quyết định của Thủ tướng tập trung vào các vấn đề sau đây:
(1) Đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo quyết định; sự cần thiết ban hành quyết định đối với quyết định quy định tại Điều 20 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015;
(2) Sự phù hợp của nội dung dự thảo quyết định với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước;
(3) Tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo quyết định với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
(4) Sự cần thiết, tính hợp lý, chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính trong dự thảo quyết định, nếu trong dự thảo quyết định có quy định liên quan đến thủ tục hành chính; việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo quyết định, nếu trong dự thảo quyết định có quy định liên quan đến vấn đề bình đẳng giới;
(5) Điều kiện bảo đảm về nguồn nhân lực, tài chính để bảo đảm thi hành quyết định;
(6) Ngôn ngữ, kỹ thuật và trình tự, thủ tục soạn thảo văn bản.