Kỹ thuật làm việc với phần không có điện theo QCVN 01:2020/BCT

27/10/2023 17:27 PM

Xin cho tôi hỏi kỹ thuật làm việc với phần không có điện theo quy chuẩn được quy định thế nào? - Thiên Minh (Hòa Bình)

Kỹ thuật làm việc với phần không có điện theo QCVN 01:2020/BCT

Kỹ thuật làm việc với phần không có điện theo QCVN 01:2020/BCT (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Kỹ thuật làm việc với phần không có điện theo QCVN 01:2020/BCT

Theo đó, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2020/BCT về an toàn điện quy định kỹ thuật làm việc với phần không có điện như sau:

(1) Trình tự thực hiện các biện pháp an toàn trước khi thực hiện công việc

- Cắt điện và thực hiện các biện pháp ngăn chặn có điện trở lại.

- Kiểm tra xác định không còn điện.

- Thực hiện nối đất (tiếp địa):

+ Đơn vị quản lý vận hành thực hiện nối đất tạo vùng làm việc an toàn trước khi bàn giao hiện trường.

+ Đơn vị công tác thực hiện bổ sung nối đất di động tại nơi làm việc nếu cần thiết khi thực hiện công việc.

- Đặt rào chắn và treo biển báo an toàn.

- Biện pháp an toàn cần thiết khác do đơn vị công tác quyết định.

(2) Đánh số thiết bị

Các thiết bị, đường dây phải được đặt tên, đánh số chỉ dẫn rõ ràng.

(3) Đóng, cắt thiết bị

- Cấm sử dụng dao cách ly để đóng, cắt dòng điện phụ tải (trừ dao cách ly phụ tải được phép đóng cắt có tải theo quy định của nhà chế tạo).

- Khi thao tác dao cách ly phải khẳng định chắc chắn đường dây đã hết tải.

- Việc đóng, cắt các đường dây, thiết bị điện phải sử dụng thiết bị đóng cắt phù hợp.

(4) Mạch liên động

Sau khi thực hiện cắt các thiết bị đóng cắt, người thao tác phải:

- Khóa bộ truyền động và mạch điều khiển, mạch liên động của thiết bị đóng cắt.

- Treo biển báo an toàn.

- Bố trí Người cảnh giới (nếu cần thiết).

(5) Phóng điện tích dư

- Phải thực hiện việc phóng điện tích dư (nếu cần thiết) và đặt nối đất di động trước khi làm việc.

- Khi phóng điện tích dư, phải tiến hành ở trạng thái như đang vận hành và sử dụng các trang thiết bị an toàn và bảo hộ lao động.

(6) Kiểm tra không còn điện

- Khi tiến hành công việc đã được cắt điện phải kiểm tra xác định nơi làm việc không còn điện.

- Trong trường hợp mạch điện đã được cắt điện nằm gần hoặc giao chéo với mạch điện cao áp có điện phải kiểm tra điện áp cảm ứng bằng thiết bị kiểm tra điện áp. Khi phát hiện điện áp cảm ứng, nhân viên đơn vị công tác phải báo cáo với Người chỉ huy trực tiếp. Người chỉ huy trực tiếp phải đưa ra các biện pháp an toàn bổ sung, các chỉ dẫn thích hợp để đảm bảo an toàn cho nhân viên đơn vị công tác như nối đất làm việc và không cho phép tiến hành công việc cho đến khi biện pháp an toàn bổ sung được thực hiện.

(7) Chống điện cấp ngược

- Phải đặt nối đất di động để chống điện cấp ngược đến nơi làm việc từ phía thứ cấp của máy biến áp hoặc các nguồn điện hạ áp khác.

- Khi cắt điện đường dây hạ áp, phải có biện pháp chống điện cấp ngược lên đường dây từ các nguồn điện độc lập khác.

(8) Một số quy định về đặt và tháo nối đất di động tại nơi làm việc

- Đơn vị công tác thực hiện đặt và tháo nối đất di động theo chỉ đạo của Người chỉ huy trực tiếp.

- Khi có nhiều đơn vị công tác cùng thực hiện công việc liên quan trực tiếp đến nhau thì mỗi đơn vị phải thực hiện nối đất di động độc lập.

- Việc dỡ bỏ tạm thời nối đất di động để thực hiện các công việc cần thiết của đơn vị công tác chỉ được thực hiện theo lệnh của Người chỉ huy trực tiếp và phải được thực hiện nối đất lại ngay sau khi kết thúc công việc đó.

- Khi đặt và tháo nối đất di động trên lưới điện cao áp nhân viên đơn vị công tác phải dùng sào và găng cách điện phù hợp; đặt và tháo nối đất di động tại lưới hạ áp phải đeo găng tay cách điện hạ áp.

- Dây nối đất là dây đồng hoặc hợp kim mềm, nhiều sợi, tiết diện phải chịu được tác dụng lực điện động và nhiệt.

- Khi đặt nối đất di động phải đặt đầu nối với đất trước, đầu nối với vật dẫn điện sau, khi tháo nối đất di động thì làm ngược lại.

(9) Thực hiện biện pháp kỹ thuật an toàn khi nhiều đơn vị công tác cùng làm việc trên một công trình điện lực

- Khi làm việc tại một công trình điện lực có nhiều đơn vị công tác khác nhau thì mỗi đơn vị công tác phải thực hiện biện pháp kỹ thuật an toàn riêng biệt.

- Giữa các đơn vị công tác phải có dấu hiệu nhận biết để phân biệt người của từng đơn vị theo phạm vi làm việc.

(Tiểu mục II.I Mục II Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01: 2020/BCT về an toàn điện)

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 1,767

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079