Danh sách thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XV gồm những ai? (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Ủy ban Tư pháp là một trong 9 ủy ban của Quốc hội, là cơ quan của Quốc hội, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp thì báo cáo công tác trước Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Danh sách thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XV gồm có:
(1) Bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thành viên Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng; Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Ba Lan; Phó Chủ tịch Thường trực Nhóm nữ nghị sĩ Việt Nam.
(2) Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Azerbaizan.
(3) Ông Đỗ Đức Hồng Hà - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Iran.
(4) Bà Mai Thị Phương Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Argentina; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy, Bí thư Chi bộ Tư pháp
(5) Bà Nguyễn Thị Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Phó Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Hungary.
(6) Ông Nguyễn Công Long - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Phó Bí thư Chi bộ Tư pháp, Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan Văn phòng Quốc hội; Phó Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Brasil.
(7) Ông Nguyễn Danh Tú - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội; Phó Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Mexico; Phó Chủ tịch Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ.
(8) Ông Cao Mạnh Linh - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Phó Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Italia.
Cụ thể tại Điều 71 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban Tư pháp như sau:
- Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh về hình sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án, bổ trợ tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tổ chức bộ máy của cơ quan tư pháp và các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.
- Thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án; thẩm tra các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; chủ trì thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng.
- Thẩm tra đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc phê chuẩn bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; đề nghị của Chủ tịch nước về việc đại xá.
- Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về hình sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án, bổ trợ tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tổ chức bộ máy của cơ quan tư pháp; giám sát hoạt động của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bổ trợ tư pháp; giám sát việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.
- Giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.
- Trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Ủy ban phụ trách; kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của cơ quan tư pháp và các cơ quan hữu quan khác, các vấn đề về hình sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án, bổ trợ tư pháp, phòng, chống tham nhũng.