Chế độ trực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

09/11/2023 12:00 PM

Xin hỏi pháp luật quy định về độ trực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Công an nhân dân như thế nào?- Minh Thuận (Đà Nẵng)

Chế độ trực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Công an nhân thực hiện theo quy định tại Thông tư 139/2020/TT-BCA, cụ thể như sau:

Trực chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

- Đối với Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết gọn là Công an cấp tỉnh): Bố trí trực chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của Bộ Công an.

- Đối với Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ: Bố trí 01 đồng chí lãnh đạo Phòng trực chỉ huy.

- Đối với Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây viết gọn là Công an cấp huyện): Bố trí 01 đồng chí lãnh đạo Công an cấp huyện trực chỉ huy.

- Đối với các Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực, Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp huyện: Bố trí 01 đồng chí Chỉ huy đội trực chỉ huy.

Chế độ trực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Chế độ trực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Hình từ internet)

Trực tiếp nhận và xử lý thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn

- Trực tiếp nhận và xử lý thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn bảo đảm 24/24 giờ và được chia thành các ca trực.

- Mỗi ca trực phải bố trí tối thiểu 02 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có ít nhất 01 sĩ quan hoặc hạ sĩ quan có nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Trực chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Cán bộ, chiến sĩ được bố trí thành các tổ thường trực tương ứng với đội hình chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ bản để vận hành, sử dụng các phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đưa vào thường trực, cụ thể:

- Đối với xe chữa cháy, xe cứu nạn, cứu hộ: Bố trí mỗi xe 01 tổ (gồm 01 Tổ trưởng, 04 chiến sĩ và 01 lái xe).

- Đối với tàu chữa cháy: Bố trí mỗi tàu 01 tổ (gồm 01 Tổ trưởng, 07 chiến sĩ và 01 lái tàu).

- Đối với ca nô chữa cháy, ca nô cứu nạn, cứu hộ: Bố trí mỗi ca nô 01 tổ (gồm 01 Tổ trưởng, 05 chiến sĩ và 01 lái ca nô).

- Đối với xuồng chữa cháy, xuồng cứu nạn, cứu hộ: Bố trí mỗi xuồng 01 tổ (gồm 01 Tổ trưởng, 03 chiến sĩ và 01 lái xuồng).

- Đối với các phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ giới khác, căn cứ tính năng tác dụng của phương tiện và thiết kế của nhà sản xuất: Bố trí mỗi phương tiện 01 tổ (gồm 01 Tổ trưởng, 01 chiến sĩ điều khiển phương tiện và số lượng chiến sĩ theo thiết kế của nhà sản xuất).

Chế độ thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

- Căn cứ tình hình thực tế về lực lượng, phương tiện, yêu cầu nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an các đơn vị, địa phương quyết định việc chia ca thường trực và chế độ nghỉ cho phù hợp.

- Đối với cán bộ, chiến sĩ đã thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ từ 02 giờ trở lên vào ban đêm (từ 22 giờ đêm đến 6 giờ sáng ngày hôm sau) thì không phải tham gia huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong ngày hôm sau.

Tổ chức các hoạt động trong ca thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

(1) Giao, nhận ca thường trực

Việc giao, nhận giữa hai ca thường trực được thực hiện hằng ngày, thời gian tính từ đầu giờ làm việc của ngày hôm trước đến đầu giờ làm việc của ngày hôm sau. Nội dung giao, nhận gồm:

- Tập hợp và kiểm tra quân số của hai ca thường trực;

- Trực chỉ huy cấp Đội của ca thường trực trước báo cáo, nhận xét tóm tắt tình hình, kết quả thực hiện các mặt công tác trong ca thường trực;

- Tiến hành bàn giao giữa ca thường trực trước với ca thường trực sau; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ, từng cán bộ, chiến sĩ trong ca thường trực sau;

- Cán bộ, chiến sĩ ca thường trực sau kiểm tra các phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thường trực theo nhiệm vụ được chỉ huy giao;

- Việc giao, nhận ca thường trực phải được ghi chép vào Sổ giao, nhận ca thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 139/2020/TT-BCA.

Trong thời gian đang bàn giao ca thường trực mà nhận được tin báo cháy, sự cố, tai nạn thì ca thường trực trước nhanh chóng đi thực hiện nhiệm vụ và phân công ca sau thường trực tại đơn vị. Sau khi kết thúc nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, chỉ huy đơn vị tiếp tục tổ chức bàn giao ca thường trực.

(2) Trong thời gian thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ các đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải tổ chức huấn luyện nghiệp vụ, họp rút kinh nghiệm vụ cháy và cứu nạn, cứu hộ, học tập, thực tập phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị theo chương trình, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

93) Trường hợp tổ chức huấn luyện, học tập, thực tập phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ ở bên ngoài đơn vị thì phải duy trì thông tin liên lạc thông suốt với trực ban đơn vị để kịp thời điều động lực lượng, phương tiện đi chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

(4) Sau khi huấn luyện nghiệp vụ, học tập, thực tập phương án hoặc sau khi đi làm nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ về đến đơn vị, chỉ huy phải cho tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng, bổ sung nhiên liệu, nước, chất chữa cháy bảo đảm phương tiện luôn ở trạng thái thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định.

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 4,290

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079