Trắng án là gì? Quy định về nguyên tắc suy đoán vô tội

22/11/2023 14:03 PM

Xin hỏi có quy định pháp luật nào giải thích khái niệm trăng án là gì hay không và các quy định liên quan đến suy đoán vô tội, những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự? - Văn Hiếu (Gia Lai)

Trắng án là gì?

Hiện hành không có văn bản quy phạm pháp luật nào có quy định giải thích khái niệm "trắng án" là gì. Tuy nhiên, dựa trên các quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và các quy định khác liên quan thì có thể hiểu trắng án là việc một người đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự bị đưa ra xét xử nhưng sau quá trình xét xử thì được Tòa án tuyên là không có tội; hoặc trường hợp một người đã bị tuyên là có tội, bản án sau đó được kháng cáo, kháng nghị theo các thủ tục tố tụng hình sự và cuối cùng người đó được tuyên là không có tội.

Trắng án là gì?

Trắng án là gì? (Hình từ internet)

Quy định về nguyên tắc suy đoán vô tội

Căn cứ Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.

Những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự

Bộ luật Hình sự 2015 quy định 7 trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự gồm:

(1) Sự kiện bất ngờ

Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

(2) Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự

Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

(3) Phòng vệ chính đáng

- Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

- Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.

(4) Tình thế cấp thiết

- Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.

- Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự.

(5) Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội

- Hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm.

- Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự.

(6) Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ

- Hành vi gây ra thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa thì không phải là tội phạm.

- Người nào không áp dụng đúng quy trình, quy phạm, không áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa mà gây thiệt hại thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

(7) Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên

- Người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người ra mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm hình sự.

- Quy định này không áp dụng đối với các trường hợp sau:

+ Phạm tội “Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược” trong trường hợp do bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên.

+ Phạm tội “Chống loài người” trong trường hợp do bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên.

+ Phạm tội “Tội phạm chiến tranh” trong trường hợp do bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên.

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 6,922

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079