Một số loại thiết chế hiện nay (Hình từ internet)
Thiết chế không thông dụng trong giao tiếp, thường chỉ được sử dụng trong các văn bản chuyên môn thuộc lĩnh vực chính trị, xã hội, luật pháp,…
Có thể hiểu nghĩa của từng từ như sau: Thiết là đặt nên, dựng nên, bày ra; còn Chế có thể hiểu là đặt, đặt ra, làm ra như đặt ra pháp luật mới,… hoặc cũng có nghĩa là hạn chế, ngăn cấm; hoặc chế độ, phép tắc định ra.
Theo cách hiểu này, thiết chế là thể chế, là những quy định, luật lệ của một chế độ xã hội, buộc mọi người phải tuân theo.
Thiết chế chính trị - pháp luật
Nghiên cứu thành lập các thiết chế mới về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;… là nội dung đề cập tại Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới do Ban Chấp hành Trung ương ban hành.
Thiết chế chính trị - pháp luật trong kiểm soát quyền lực được hiểu là tập hợp hệ thống các quy tắc có vai trò định hướng, thúc đẩy hoặc kiểm soát mối quan hệ tương tác giữa các chủ thể liên quan, bảo đảm quyền lực luôn trong vòng trật tự.
Với cấu trúc bên trong thiết chế chính trị - pháp luật biểu hiện các nhóm, lực lượng và tổ chức được trang bị những phương tiện vật chất và thực hiện các chức năng trong lĩnh vực chính trị - pháp luật;
Còn với cấu trúc bên ngoài, thiết chế chính trị - pháp luật là tập hợp những nguyên tắc, giá trị, chuẩn mực định hướng cho các hành vi, quan hệ xã hội nhằm thỏa mãn các nhu cầu liên quan đến lĩnh vực chính trị - pháp luật.
Ngoài ra, tại Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2022, còn đề cập nội dung liên quan đến thiết chế như:
- Tiếp tục thực hiện tốt thiết chế Chủ tịch nước theo Hiến pháp: Nhận thức đúng, đầy đủ, sâu sắc về vị trí, quyền hạn, nhiệm vụ của Chủ tịch nước với vai trò là nguyên thủ quốc gia. Tiếp tục nghiên cứu làm rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước trong vai trò thống lĩnh các lực lượng vũ trang, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh, trong hoạt động đối nội, đối ngoại, trong mối quan hệ với Quốc hội, Chính phủ, tòa án nhân dân, viện Kiểm sát nhân dân theo quy định của Hiến pháp.
- Tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội theo hướng nghiên cứu tăng hợp lý số kỳ họp của Quốc hội; kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ do Hiến pháp quy định; đề cao vị trí, vai trò, kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực hoạt động của Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng rành mạch, chủ động, trách nhiệm, chuyên sâu, nhạy bén; hoàn thiện thiết chế Tổng Thư ký Quốc hội, Ban Thư ký Quốc hội; xây dựng Quốc hội điện tử.
Thiết chế công đoàn
Theo Quyết định 655/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất" do Thủ tướng Chính phủ ban hành:
Mục tiêu tổng quát của Đề án là: Huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước, nguồn lực của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và nguồn lực của tổ chức công đoàn cùng tham gia đầu tư xây dựng nhà ở, các cơ sở y tế, giáo dục, siêu thị và các công trình thương mại dịch vụ, công trình văn hóa, thể thao tại các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự chủ động của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức Công đoàn trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, đoàn viên công đoàn, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Thiết chế công đoàn là một tổ hợp công trình phục vụ cho người lao động, trong đó có nhà ở và các công trình dịch vụ phúc lợi công đoàn như siêu thị, nhà trẻ, nhà văn hóa đa năng, công trình văn hóa, thể thao…
Thiết chế văn hóa
Thiết chế văn hóa là chỉnh thể văn hóa hội tụ đầy đủ các yếu tố: cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, nhân sự, quy chế hoạt động, nguồn kinh phí.
Có thể hiểu, thiết chế văn hóa là thuật ngữ dùng để chỉ các cơ quan, đơn vị hoạt động văn hóa do Nhà nước hoặc cộng đồng xã hội lập ra trong khuôn khổ pháp luật hoặc quy chế của ngành, đoàn thể nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của công chúng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương.
Theo Quyết định 2164/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành thì đối tượng Quy hoạch gồm:
(1) Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phục vụ cộng đồng thuộc ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý, bao gồm:
- Nhà Văn hóa - Khu Thể thao ở thôn và tương đương (sau đây gọi chung là thôn);
- Trung tâm Văn hóa - Thể thao ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là cấp xã);
- Trung tâm Văn hóa - Thể thao ở huyện, quận, thị trấn, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là cấp huyện);
- Trung tâm Văn hóa cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là cấp tỉnh).
(2) Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phục vụ thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, bao gồm:
- Nhà Thiếu nhi cấp huyện;
- Cung Thiếu nhi, Nhà Thiếu nhi hoặc Trung tâm hoạt động Thanh Thiếu nhi cấp tỉnh.
(3) Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phục vụ công nhân viên chức, người lao động, bao gồm:
- Nhà Văn hóa Lao động cấp huyện;
- Cung Văn hóa Lao động, Nhà Văn hóa Lao động cấp tỉnh;
- Trung tâm Văn hóa - Thể thao ở Khu chế xuất, Khu công nghiệp và trong các doanh nghiệp lớn;
(4) Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở thuộc các Bộ, ngành, đoàn thể và lực lượng vũ trang; các thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa được quy định về nguyên tắc quản lý và định hướng phát triển chung tại Quy hoạch này.
Thiết chế kinh tế
Thiết chế kinh tế gồm những thiết chế liên quan đến sản xuất và phân phối của cải, điều chỉnh sự lưu thông tiền tệ, tổ chức và phân công lao động xã hội.