Dư nợ thẻ tín dụng là gì? Có bao nhiêu loại dư nợ thẻ tín dụng?

27/11/2023 12:00 PM

Cho tôi hỏi dư nợ thẻ tín dụng là gì? Theo quy định hiện hành thì có nhiêu loại dư nợ thẻ tín dụng? – Hồng Hạnh (Bình Phước)

Dư nợ thẻ tín dụng là gì? Có bao nhiêu loại dư nợ thẻ tín dụng?

Dư nợ thẻ tín dụng là gì? Có bao nhiêu loại dư nợ thẻ tín dụng? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này , THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Dư nợ thẻ tín dụng là gì?

Nợ thẻ tín dụng là khi khách hàng chi tiêu theo hạn mức được cấp trong thẻ tín dụng nhưng không trả lại toàn bộ số tiền đã tiêu theo đúng kỳ hạn thanh toán cho ngân hàng. Phần tiền chưa hoàn trả lại này còn được gọi là dư nợ thẻ tín dụng.

Có 2 nguyên nhân thông thường dẫn đến vấn đề nợ thẻ tín dụng đó là:

- Không có kế hoạch tài chính rõ ràng, chi tiêu quá mức.

- Quên mất ngày thanh toán dư nợ theo quy định của ngân hàng.

Tóm lại, dư nợ thẻ tín dụng chính khoản tiền khách hàng đã sử dụng trong kỳ sao kê và chủ thẻ có nghĩa vụ thanh toán số tiền này lại cho ngân hàng theo đúng kỳ hạn quy định.

**Một số khái niệm liên quan đến dư nợ thẻ tín dụng:

- Dư nợ cuối kỳ thẻ tín dụng: Đây là số tiền mà khách hàng đã chi tiêu bằng thẻ tính đến thời điểm của kỳ sao kê đó. Khách hàng có nghĩa vụ hoàn trả lại số tiền này trong thời gian được quy định. Sau khi hoàn trả toàn bộ số tiền theo đúng hạn, dư nợ cuối kỳ sẽ bằng 0.

- Số dư khả dụng của thẻ tín dụng: Đây là số tiền còn lại mà khách hàng được phép sử dụng để thanh toán chi tiêu hoặc rút tiền mặt từ thẻ tín dụng.

- Số dư tạm tính của thẻ tín dụng: Là số tiền cần thanh toán được tạm tính khi kỳ sao kê trùng với các ngày nghỉ lễ, Tết. Mục đích của việc tạm tính này là giúp khách hàng có kế hoạch thanh toán sớm, giảm khả năng phát sinh nợ quá hạn và phải chịu thêm các khoản phí phạt không mong muốn.

Từ đó, lịch sử tín dụng cũng như điểm tín dụng CIC của quý khách không bị ảnh hưởng xấu.

Theo khoản 3 Điều 3 Thông tư 19/2016/TT-NHNN, thẻ tín dụng (credit card) là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi hạn mức tín dụng đã được cấp theo thỏa thuận với tổ chức phát hành thẻ.

Trong đó, tổ chức phát hành thẻ là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện phát hành thẻ theo quy định tại Điều 9 Thông tư 19/2016/TT-NHNN, cụ thể:

- Ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phát hành thẻ khi hoạt động cung ứng dịch vụ thẻ được ghi trong Giấy phép hoặc Giấy phép bổ sung, sửa đổi (nếu có) do Ngân hàng Nhà nước cấp.

- Ngân hàng chính sách phát hành thẻ theo quy định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

- Công ty tài chính chỉ được phát hành thẻ tín dụng sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Công ty tài chính bao thanh toán không được phát hành thẻ.

- Tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối được ký kết văn bản thỏa thuận với tổ chức thẻ quốc tế để phát hành thẻ có BIN do tổ chức thẻ quốc tế cấp.

- tổ chức phát hành thẻ phải tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa khi phát hành thẻ có BIN do Ngân hàng Nhà nước cấp theo lộ trình chuyển đổi quy định tại Điều 27b Thông tư 19/2016/TT-NHNN.

Tổ chức phát hành thẻ trong thời gian kiểm soát đặc biệt thực hiện lộ trình chuyển đổi theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đối với từng trường hợp cụ thể.

Có bao nhiêu loại dư nợ thẻ tín dụng?

Theo quy định của Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia (viết tắt là CIC), dư nợ thẻ tín dụng được phân thành 5 nhóm như sau:

Nhóm 1: Nhóm dư nợ đủ tiêu chuẩn

Bao gồm các khoản nợ có khả năng thu hồi đúng hạn, bao gồm cả gốc và lãi. Ngoài ra, các khoản nợ còn trong thời hạn và khoản nợ quá hạn nhưng còn dưới 10 ngày vẫn được xếp vào nhóm này.

Nhóm 2: Nhóm dư nợ cần chú ý

Bao gồm các khoản nợ quá hạn từ trên 10 ngày đến dưới 30 ngày; những khoản nợ cần phải cơ cấu lại thời gian trả nợ lần đầu tiên.

Nhóm 3: Nhóm dư nợ dưới tiêu chuẩn

Bao gồm các khoản nợ quá hạn từ trên 30 ngày đến dưới 90 ngày; những khoản nợ cần được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn dưới 30 ngày theo thời hạn trả nợ và đã được cơ cấu lại lần đầu; các khoản nợ được xét miễn hoặc giảm lãi do khách hàng không đủ khả năng tài chính để chi trả theo hợp đồng tín dụng ban đầu.

Nhóm 4: Nhóm dư nợ có nghi ngờ

Bao gồm các khoản nợ quá hạn từ trên 90 ngày đến dưới 180 ngày; những khoản nợ cần được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn 30 ngày đến dưới 90 ngày theo thời hạn trả nợ và đã được cơ cấu lại lần đầu; các khoản nợ cần xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai.

Nhóm 5: Nhóm dư nợ có nguy cơ mất vốn

Bao gồm các khoản nợ có thời gian quá hạn từ trên 180 ngày; những khoản nợ cần được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn trên 90 ngày theo thời hạn trả nợ và đã được cơ cấu lại lần đầu; các khoản nợ cần xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai mà vẫn quá hạn; các khoản nợ cần xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ ba trở đi.

Chia sẻ bài viết lên facebook 14,975

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079