Trưng cầu ý dân có bắt buộc không?

28/11/2023 12:15 PM

Xin hỏi trưng cầu dân ý là gì và trưng cầu ý dân có bắt buộc không, trong trường hợp nào? - Văn Hòa (Vĩnh Phúc)

Trưng cầu ý dân là gì?

Căn cứ quy định tại Luật Trưng cầu dân ý 2015 thì có thể hiểu trưng cầu ý dân là việc Nhà nước tổ chức để cử tri cả nước trực tiếp biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước theo quy định của pháp luật về trưng cầu dân ý.

Việc trưng cầu ý dân được thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:

- Bảo đảm để Nhân dân trực tiếp thể hiện ý chí của mình trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội.

- Thực hiện nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín khi trưng cầu ý dân.

- Việc trưng cầu ý dân phải được tiến hành theo trình tự, thủ tục do Luật Trưng cầu dân ý 2015 quy định.

Trưng cầu ý dân được thực hiện trong phạm vi cả nước.

Trưng cầu ý dân có bắt buộc không?

Trưng cầu ý dân có bắt buộc không? (Hình từ internet)

Trưng cầu ý dân có bắt buộc không?

Căn cứ quy định tại Điều 6 Luật Trưng cầu dân ý 2015 quy định Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân về các vấn đề sau đây:

(1) Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp;

(2) Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia;

(3) Vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước;

(4) Vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 9 Luật Trưng cầu dân ý 2015 thì không tổ chức trưng cầu ý dân trong các trường hợp sau đây:

- Không tổ chức lại việc trưng cầu ý dân về nội dung đã được trưng cầu ý dân trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày kết quả trưng cầu ý dân được công bố.

- Không tổ chức trưng cầu ý dân trong thời gian ban bố tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày bãi bỏ tình trạng chiến tranh, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước.

Hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân

Căn cứ Điều 11 Luật Trưng cầu dân ý 2015 quy định về vấn đề hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân như sau:

- Kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân và có hiệu lực kể từ ngày công bố.

- Mọi cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân phải tôn trọng kết quả trưng cầu ý dân.

- Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức và bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh kết quả trưng cầu ý dân.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong trưng cầu dân ý

Căn cứ Điều 13 Luật Trưng cầu dân ý 2015 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong trưng cầu dân ý gồm:

- Tuyên truyền, đưa thông tin sai lệch về nội dung, ý nghĩa của việc trưng cầu ý dân.

- Dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép, cản trở làm cho cử tri không thực hiện hoặc thực hiện việc bỏ phiếu trưng cầu ý dân trái với mong muốn của mình.

- Giả mạo giấy tờ, gian lận hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả trưng cầu ý dân.

- Lợi dụng việc trưng cầu ý dân để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân.

- Vi phạm quy định về bỏ phiếu, kiểm phiếu trưng cầu ý dân, quy định khác của Luật Trưng cầu dân ý 2015.

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,953

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079